PV: Xin ông cho biết, để phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, bên cạnh những chính sách của Trung ương, thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã ban hành và triển khai thực hiện những chính sách đặc thù gì?
Ông Lê Ngọc Tuấn: Xác định các Chương trình MTQG có tác động sâu rộng, trực tiếp và toàn diện đến mọi mặt đời sống của Nhân dân; trong đó, Chương trình MTQG 1719 được xem là “đòn bẩy” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 19/5/2022 về lãnh đạo thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã chủ động, tập trung triển khai xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý, điều hành, làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025.
Cùng với đó, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”...
PV: Với việc triển khai đồng bộ các chính sách dân tộc, nhất là Chương trình MTQG 1719, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Ngọc Tuấn: Việc triển khai thực hiện đồng bộ các Chương trình MTQG nói chung, các chính sách dân tộc và Chương trình MTQG 1719 nói riêng đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 42/85 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; 21 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 37 thôn, làng vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn thôn nông thôn mới.
Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ DTTS trên địa bàn tỉnh có đất ở đạt 98,55%, tỷ lệ hộ DTTS có đất sản xuất đạt 98,45%; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 6,84%... Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được giữ vững ổn định. Niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước tiếp tục được củng cố, các dân tộc đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
PV: Năm 2024, tỉnh Kon Tum có những mục tiêu, giải pháp gì để tiếp tục nâng cao đời sống của đồng bào DTTS, thưa ông?
Ông Lê Ngọc Tuấn: Năm 2024, tỉnh Kon Tum phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi 4%; có 7 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; có 5 thôn ra khỏi địa bàn thôn đặc biệt khó khăn; 98,55% hộ DTTS trên địa bàn tỉnh có đất ở và 98,45% hộ DTTS trên địa bàn tỉnh có đất sản xuất.
Để đạt các mục tiêu đó, UBND tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về công tác dân tộc. Chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình MTQG. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề lao động nông thôn; cải thiện điều kiện sinh kế. Tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS...
Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, y tế; bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của các DTTS. Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, đảm bảo các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội. Tăng cường thực hiện chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về công tác tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi; có chính sách ưu tiên phù hợp trong đào tạo nhân lực và sử dụng cán bộ, đào tạo cán bộ nguồn cho xã, thôn là con em các DTTS sinh sống trên địa bàn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Đến nay, toàn tỉnh đã có 42/85 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; 21 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 37 thôn, làng vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ DTTS trên địa bàn tỉnh có đất ở đạt 98,55%, tỷ lệ hộ DTTS có đất sản xuất đạt 98,45%; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 6,84%”.