Đồng thời, tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các xã đã đạt NTM những năm trước. Tuy nhiên, mong muốn này khó có thể đạt được…
Nhiều địa phương bị tuột NTMQua kết quả rà soát các xã đã đạt NTM trên địa bàn TP. Cần Thơ đều bị giảm từ 1-4 tiêu chí. Đơn cử, tại huyện Cờ Đỏ, qua rà soát lại, xã Trung An chỉ đạt 15/19 tiêu chí; xã Trung Thạnh đạt 18/19 tiêu chí; xã Trung Hưng đạt 16/19 tiêu chí.
Còn huyện Thới Lai có 5/12 xã đạt chuẩn NTM, gồm: Trường Xuân, Thới Thạnh, Đông Thuận, Đông Bình, Trường Xuân A. Kết quả rà soát theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2016-2020, các xã đều bị giảm từ 2 tiêu chí trở lên. Trong đó, chủ yếu là các tiêu chí, như: thu nhập, hộ nghèo, y tế (chỉ tiêu bảo hiểm y tế)…
Tại tỉnh Vĩnh Long, hiện nay, tổng số 89 xã xây dựng NTM đạt bình quân 14,1 tiêu chí, giảm 0,4 tiêu chí so cùng kỳ. Việc củng cố, nâng cao chất lượng tiêu chí tại các xã đã về đích NTM chưa mang lại hiệu quả. Trong đó có 10/32 xã giảm 16 tiêu chí.
Ông Nguyễn Chí Quyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Thít cho biết, trước đây, huyện có 4/12 xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, khi áp dụng bộ tiêu chí mới, thì các xã này bị tuột khá xa. Điều đó đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng các tiêu chí của xã đã đạt NTM rất khó thực hiện, nhất là việc nâng chất lượng tiêu chí về nhà ở, thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Nguyên nhân các xã ở Tây Nam bộ bị giảm tiêu chí trong xây dựng NTM, xuất phát từ việc có sự điều chỉnh bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 tăng cao hơn với Bộ tiêu chí giai đoạn 2011-2015. Cụ thể: Đối với tiêu chí thu nhập, theo Bộ tiêu chí mới, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là từ 50 triệu đồng/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo theo phương pháp điều tra đa chiều bằng và dưới 4%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 85% (trước đây là 70%); tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh trên 95% và sử dụng nước sạch trên 65%.
Không “ngủ quên” trong chiến thắngPhải thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc nâng cao tiêu chí xây dựng NTM là điều hợp lý. Bởi việc xây dựng NTM không chỉ để đạt danh hiệu mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng sống cho các hộ dân. Vì vậy, điều quan trọng là các địa phương không “ngủ quên” trong chiến thắng mà tiếp tục tự nâng cao chất lượng của mình.
Nhận thức được điều này, thời gian vừa qua, các địa phương ở Tây Nam bộ đang dần thích nghi để tự đổi mới, nâng cao chất lượng trong xây dựng nông thôn mới. Trên địa bàn huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, chính quyền đã xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2017-2020. Mục tiêu của Đề án nhằm tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân về thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020; duy trì các tiêu chí đã đạt được kết hợp với thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Giai đoạn 2017-2020, kế hoạch nâng cao chất lượng NTM của huyện tập trung vào các nội dung, như: phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; giảm nghèo bền vững; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội được nâng chất đáp ứng tốt nhu cầu... Hằng năm, huyện chỉ đạo mỗi xã đưa ra kế hoạch, lộ trình nâng chất cụ thể cho từng tiêu chí.
Tương tự, tại huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long để giúp các xã nâng cao chất lượng tiêu chí NTM, huyện uỷ tại các địa phương phân công cụ thể cán bộ dành nhiều thời gian đi cơ sở nhằm hỗ trợ, giúp Ban Chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch thực hiện...
Có thể nói, để giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí của các xã NTM, ngoài quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, rất cần sự góp sức của toàn xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt từ chính người dân-“chủ thể” của quá trình xây dựng NTM. Đây sẽ là động lực quan trọng để các xã NTM tiếp tục duy trì và phát triển bền vững các tiêu chí.
Ý VY