Ở nơi chỉ có người già và trẻ emXã miền núi Nghi Văn được xem là xã có người đi làm xa nhiều nhất của huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Cứ mỗi dịp sau Tết Nguyên đán hàng trăm lao động lại “rồng rắn” lỉnh kỉnh hành lý đón xe rời quê hương đi lao động ở xa. Nơi họ đến chủ yếu là nước bạn Lào cũng có thể là vào các tỉnh miền Nam. Theo một thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn xã có gần 200 lao động đang đi tìm kế mưu sinh ở nơi xa xứ, trong số đó có không ít các cặp vợ chồng trong tuổi lao động… Họ bỏ lại quê hương những đứa con thơ cho người thân là những ông già, bà lão chăm sóc.
Bà Nguyễn Thị Bé, xóm 5 xã Nghi Văn cho biết: Năm nay ông bà đã gần 70 tuổi rồi nhưng vẫn phải chăm sóc 3 đứa con cho vợ chồng anh Hiền (con trai bà) để vợ chồng anh sang Lào làm ăn. Vất vả nhưng đành phải chấp nhận, vì ở quê vợ chồng anh Hiền không có việc làm nên sang bên đó đi chăm sóc và cạo mủ cao su cho người ta. Bà Bé cũng cho biết, trong xóm có rất nhiều cặp vợ chồng đi cùng đợt với con bà, cuối năm họ mới về thăm gia đình.
Khác với khu vực nông thôn miền xuôi, nơi các lao động miền núi ở huyện Tương Dương tìm đến làm ăn, thường là ở Trung Quốc mà đa phần là lao động nữ. Hiện nay, có hàng trăm lao động nữ đang rời quê để mưu sinh ở xứ người.
Bà Lô Thị Ty ở bản Văng Môn, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương cho biết: Con gái bà là Lô Thị May năm nay hơn 20 tuổi, nó nghỉ học từ nhỏ, sau thời gian quanh quẩn ở bản làng sau đó có người về rủ đi làm ăn nó đã đi theo. Nghe nói nó làm ăn tận bên Trung Quốc, cứ vài năm nó về ít ngày rồi đi… bà Ty chia sẻ.
Qua tìm hiểu, hiện nay trường hợp như Lô Thị May không ít. Điều đáng quan ngại là đã có hàng trăm lao động rời quê hương xa quê nhưng gia đình và chính quyền không thể kiểm soát được họ đi đâu, làm gì.....
Những hệ lụy
Những lao động rời quê bỏ lại gia đình người thân ở quê hương đã gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Nhiều người già và trẻ nhỏ không còn người làm chỗ dựa lúc đau ốm cùng với đó là địa phương thiếu hụt lao động trong độ tuổi..
Ông Nguyễn Văn Sao, Chủ tịch UBND xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc cho biết: Địa phương luôn khuyến khích lao động lúc nông nhàn đi làm thêm để đem lại nguồn thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên việc đi làm ăn theo phong trào cũng gây nhiều khó khăn cho địa phương. Địa phương thiếu hụt lao động khi cần huy động nhân công để làm đường giao thông hay trong các vấn đề phòng chống cháy rừng… Các em nhỏ thiếu sự chăm sóc của cha mẹ nên việc học hành bị ảnh hưởng, nhiều em đã nghỉ học giữa chừng ảnh hưởng đến tương lai sau này…
Một vấn đề mà chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện Tương Dương lo lắng là, việc các lao động nữ đi làm ăn ở Trung Quốc vô tình trở thành nạn nhân của những đối tượng buôn bán người.
Ông Lương Bá Vin, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Tương Dương cho biết: Hiện nay Tương Dương có hàng trăm lao động đi làm ăn khắp nơi, trong nước có, ngoài nước có. Vấn đề lao động đi làm ăn xa trên địa bàn huyện đã gây ra nhiều hệ lụy. Do nhận thức của lao động còn hạn chế nên dễ rơi vào cạm bẫy. Phụ nữ trở thành nạn nhân của buôn bán người, đàn ông thì rất dễ sa vào con đường nghiện ngập, hút chích khi trở về địa phương, trở thành gánh nặng cho gia đình và chính quyền.
Ông Vin cho hay, hiện nay qua khảo sát trên địa bàn huyện có hơn 50 đứa trẻ có bố là người Trung Quốc. Mẹ của chúng phần lớn là những lao động chui hoặc nạn nhân của đường dây buôn người sang Trung Quốc. Trong đó, xã Yên Na có 10 trường hợp, Yên Hòa 8 trường hợp…
Trước tình trạng trên, huyện Tương Dương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về hộ khẩu, lao động, khai sinh cho các cháu; phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các đối tượng buôn bán, phụ nữ, trẻ em, lừa gạt lao động… và quan trọng nhất là phải tạo được việc làm tại chỗ, đem lại sinh kế cho người dân.
MINH THỨ