Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, từ ngày 9/11 đến nay, Phú Yên có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 56-207,6 mm. Toàn tỉnh có 51 hồ chứa nước, các hồ chứa đang tích nước phổ biến ở mức từ 80-95% so với dung tích thiết kế.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất tỉnh Phú Yên đã di dời khẩn 6 hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở phía Tây Núi Nhạn thành phố Tuy Hòa. Các huyện Đồng Xuân, Tuy An và thị xã Sông Cầu cũng đã lên phương án sẽ di dời sơ tán 4.549 hộ dân tại các khu vực bị ngập sâu, chia cắt đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng hướng dẫn, vận động nhân dân thu hoạch sớm lúa vụ mùa, thủy sản để giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Các địa phương ven biển chủ động các phương án đảm bảo an toàn các khu nuôi trồng thủy sản ven biển, các tuyến đê kè xung yếu và các công trình đang thi công dở dang ven sông, suối, biển; tổ chức kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, khu vực có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, sạt lở đất, lũ quét.
Tại tỉnh Bình Định những ngày qua cũng xảy ra mưa lớn, kèm theo lũ từ thượng nguồn về khiến nhiều vùng dân cư, tuyến đường ở khu vực hạ du sông Côn, các xã Cát Chánh (huyện Phù Cát), Phước Thắng, Phước Hòa (huyện Tuy Phước) bị ngập lụt, chia cắt. Dọc tuyến tỉnh lộ ĐT640 đi các xã phía Đông huyện Tuy Phước và một phần huyện Phù Cát, nhiều vị trí ngập sâu khiến giao thông bị chia cắt.
Ngày 13/11, trên địa bàn tỉnh Bình Định tiếp tục có mưa lớn. Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) tỉnh, mực nước trên các sông trong tỉnh ở mức dưới báo động 1. Từ nay đến ngày 15/11, mực nước trên các sông trong tỉnh dao động và khả năng xuất hiện một đợt lũ; đỉnh lũ có thể lên mức báo động 1 - 2, có nơi trên báo động 2. Riêng hạ lưu sông Côn lên mức báo động 2 - 3.
Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Đắc Chương, Ủy viên Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh Bình Định cho biết, hiện hồ chứa Định Bình đang thực hiện điều tiết nước với mức điều tiết về hạ lưu là 150 - 600m3/s; mực nước về hồ Định Bình là 800m3/s. Cùng với việc điều tiết nước, vùng hạ lưu sông Hà Thanh có mưa lớn, do đó làm ngập một số vùng trũng ở khu Đông huyện Tuy Phước.
Tại Quảng Ngãi những ngày qua cũng có mưa lớn, đặc biệt là ở huyện miền núi Ba Tơ, mưa lớn đã làm sụp nhiều cây cầu và đường, chia cắt một số khu vực dân cư. Thiệt hại về ngành giao thông do lũ gây ra ước tính gần 14,5 tỷ đồng.
Ông Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết mưa lớn khiến tuyến đường DT624 dẫn vào trung tâm xã Ba Điền bị chia cắt. UBND huyện đã chỉ đạo dựng rào chắn và cắm biển báo ngăn không cho người, phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn. Ngoài ra, huyện kêu gọi người dân hạn chế ra ngoài trong lúc mưa lũ lớn, đồng thời đã chuẩn bị sẵn nguồn lương thực để đảm bảo cho người dân vùng bị cô lập chia cắt.
Ngày 13/11, tiếp tục có mưa to trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ngãi, gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối tại các huyện miền núi như Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ và Minh Long. Đồng thời ngập úng diện rộng diễn ra tại các vùng trũng, thấp tại các địa phương thuộc huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ, TP Quảng Ngãi.
Ông Vũ Minh Tâm, Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, nước lũ dâng đột ngột đã khiến nhiều nhà dân ở địa phương bị ngập trong nước. Cụ thể, từ đêm qua (12/11) đến rạng sáng 13/11, lũ trên sông Trà Câu dâng cao, làm 150 nhà dân sống dọc sông Trà Câu bị ngập, mức ngập từ 0,7 - 1m. Khu vực bị ngập chủ yếu ở Phổ Văn, Phổ Ninh, Phổ Minh và Phổ Thuận. Riêng tuyến QL1 đoạn qua địa bàn cũng có một số đoạn bị ngập, lực lượng CSGT túc trực điều tiết, phân luồng giao thông.