Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Bình, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, mưa lũ đã làm 2 người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình mất tích. Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã huy động hàng trăm lượt chiến sĩ hộ trợ các địa phương khắc phục sự cố, tìm kiếm người mất tích, đồng thời hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên khắc phục hậu quả thiên tai.
Trước đó, vào khoảng 12h ngày 17/10, ông Nguyễn Văn Đường (SN 1970) ở xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh đi đò ra kiểm tra hồ tôm thì không may bị chìm đò, mất tích. Trường hợp mất tích thứ 2 được xác định là anh Hồ Văn Sửu (SN 1997) ở xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, trong lúc đi rừng làm bẫy ở khu vực nguồn Khe Rát, bản Chân Trôộng, xã Trường Sơn, khi đi qua suối thì không may bị nước cuốn trôi. Hiện BĐBP và chính quyền địa phương, người dân đang tổ chức tìm kiếm hai nạn nhân.
Do mưa lớn, kéo dài nhiều ngày khiến các khu vực ngầm tràn tại nhiều địa phương bị ngập sâu gây chia cắt 25 thôn bản trên toàn tỉnh. Trong đó chủ yếu tập trung ở vùng miền núi, vùng đồng bao dân tộc thiểu số (huyện Minh Hóa 9, huyện Quảng Ninh 13, huyện Lệ Thủy 2, huyện Bố Trạch 1).
Đến ngày 18/10, toàn tỉnh Quảng Bình có 24 xã, với 1.330 hộ bị ngập lụt, trong đó, huyện Lệ Thủy có 16 xã, với 1.076 hộ bị ngập từ 0,2 - 0,5m; huyện Quảng Ninh có 5 xã/99 hộ bị ngập từ 0,2 - 0,4m; huyện Bố Trạch có 3 xã/155 hộ bị ngập từ 0,3 - 1,2m.
Ngoài ra, tại các khu vực có nguy cơ sạt lở và các chốt, trạm bảo vệ rừng, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã tiến hành di dời hơn 600 người. Cụ thể, đã di dời 136 hộ/542 nhân khẩu, 25 công nhân tại công trường thủy điện La Trọng (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa), di dời 18 chốt, trạm bảo vệ rừng, với 50 người.
Theo thống kê thiệt hại ban đầu, mưa lũ đã khiến nhiều nhà dân tại huyện Lệ Thủy bị hư hỏng như tốc mái, nhà của 4 hộ tại xã Kim Thủy bị sập hoàn toàn; bản Cà Roòng 1, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch; 3 bản Trung Sơn, Ploang, Rìn Rìn xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh bị cô lập hoàn toàn.
Các tuyến đường lên biên giới, nhánh Tây Đường Hồ Chí Minh và các đoạn đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường vào các bản trên biên giới nhiều nơi bị ngập sâu và sạt lở gây ách tắc giao thông và chia cắt cục bộ. Khu vực Hung Trâu, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (địa bàn Đồn Biên phòng Cà Xèng) nước ngập sâu hơn 2m, chiều dài 500m. Còn trên tuyến Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, tại Km 100 có 1 điểm sạt lở dài khoảng 20m.
Trên Quốc lộ 9E, đoạn Km 27, 37, 40 (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) khoảng 100m3 đất đá tràn xuống nền và mặt đường gây tắc đường giao thông. Còn tại tuyến kè biển Nhật Lệ do mưa lớn có sóng cao đã đánh vỡ 300m kè.
Trước tình hình thiệt hại do mưa lũ lớn, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các phòng, Văn phòng cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và các Đồn Biên phòng trên hai tuyến biên giới tiếp tục duy trì nghiêm kíp trực; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh. Chuẩn bị đầy đủ vật chất, trang bị, phương tiện, nhiên liệu, vật tư y tế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ngay khi có tình huống. Triển khai 36 tổ, với 108 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng ứng trực tại các địa bàn trọng điểm, xử lý các tình huống đột xuất xảy ra.
Đối với Đồn Biên phòng Làng Mô, tiếp tục chủ trì triển khai lực lượng 15 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân tranh thủ thời tiết tạnh ráo tiếp tục tìm kiếm người dân bị mất tích.