Cụ thể, tại Nghệ An, mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua khiến hàng chục mét taluy âm quốc lộ 1A đoạn qua huyện Diễn Châu bị sụt lún. Nhiều tuyến đường miền núi bị sạt lở, chia cắt. Trong đó, huyện miền núi Kỳ Sơn bị sạt lở nhiều nhất với 10 điểm. Hiện, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị quản lý giao thông, huy động nhân lực và thiết bị máy móc san sạt lở núi trên các tuyến đường, đảm bảo lưu thông bước 1. Yêu cầu các đơn vị quản lý giao thông canh trực, cảnh báo người tham gia giao thông tại các điểm sạt lở núi.
Tại Hà Tĩnh, đến trưa nay, lượng mưa đã giảm so với ngày 17/10. Tuy nhiên, do nước lũ vẫn chưa rút nên sáng 18/10, hơn 24.000 học sinh Hà Tĩnh đã phải nghỉ học. Tình trạng sạt lở đất xảy ra tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Tuyến QL15B đi qua xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên đã bị sạt lở nghiêm trọng. Trong sáng 18/10, chính quyền địa phương đã đặt biển cảnh báo ở 2 đầu các vị trí sạt lở, nghiêm cấm các phương tiện lưu thông, đồng thời tiến hành nhắc nhở, di dời người dân ở các vùng nguy hiểm ra khỏi khu vực sạt lở.
Mưa lũ cũng khiến nhiều vùng thấp trũng của các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà, TX Kỳ Anh bị ngập từ 0,5-1 m. Tình trạng sạt lở bờ sông cũng đang diễn biến phức tạp tại huyện Cẩm Xuyên, Vũ Quang và Đức Thọ. Hàng trăm mét đường đã bị sạt lở xuống bờ sông đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của hàng trăm hộ dân. Chính quyền địa phương đang tiếp tục gia cố những vị trí bị sạt lở và tìm các phương án khắc phục triệt để.
Hiện mưa đã ngớt, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện cũng đang xem xét các phương án tạm ngừng điều tiết lũ.
Tại Quảng Bình, do ảnh hưởng của mưa lớn liên tục nhiều ngày qua, mực nước tại sông Kiến Giang đã trên mức báo động 3, hàng ngàn ngôi nhà ở vùng trũng huyện Lệ Thủy đã bị ngập. Nhiều tuyến quốc lộ và tỉnh lộ xuất hiện sạt lở và rạn nứt. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh có 25 thôn bản bị chia cắt tại các huyện Minh Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch. Toàn tỉnh có 24 xã (với 1.330 hộ) bị ngập nước.
Riêng tại huyện Lệ Thủy đã ghi nhận 5 nhà bị hư hỏng, trong đó 4 nhà bị tốc mái tại xã Lâm Thủy và 1 nhà bị sập hoàn toàn ở xã Kim Thủy. Trong đó, nặng nhất là tại vùng tâm lũ huyện Lệ Thủy, có đến 16 xã (1.076 hộ) bị ngập từ 0,2m - 0,5m.
Mưa lũ cũng khiến 2 người ở huyện Quảng Ninh bị mất tích. Đó là ông Nguyễn Văn Đường (ở thôn Quyết Tiến, xã Hàm Ninh) bị chìm đò khi ra kiểm tra hồ tôm và anh Hồ Văn Sửu (ở xã Trường Xuân) đi rừng làm bẫy ở khu vực nguồn Khe Rát, bản Chân Trôộng, xã Trường Sơn, mất tích khi đi qua suối. Hiện nay chính quyền, các lực lượng chức năng và người dân đang tích cực tìm kiếm và khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ này, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân địa phương.
Hiện tại, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và dân quân, phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương tổ chức di dời hơn 500 hộ dân với hơn 2.200 nhân khẩu đến nơi an toàn; sửa chữa 73 nhà tốc mái, hư hỏng nặng.
Thực hiện phương châm "4 tại chỗ", cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang các địa phương cũng kịp thời tuyên truyền, vận động, di dời được hàng nghìn người dân tại các khu vực có nguy có xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét đến nơi tránh trú an toàn.
Tại Quảng Trị, 6 xã ven sông Ô Lâu thuộc huyện Hải Lăng (xã Hải Phong, Hải Hưng, Hải Sơn, Hải Chánh, Hải Định, Hải Trường) và một số điểm thuộc thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị bị ngập cục bộ.
Tại Quảng Nam, mưa lớn kéo dài mấy ngày qua cùng với hồ thủy điện ở thượng nguồn cùng lúc xả lũ làm mực nước sông Vu Gia dâng nhanh, khiến nhiều khu vực ở vùng rốn lũ huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam bị ngập sâu.
Tại thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) nước ngập sâu trên nhiều tuyến đường khiến phương tiện lưu thông bị chết máy. Riêng tại chợ Ái Nghĩa, nước tràn lên bờ, cả khu vực chìm trong biển nước. Nhiều nơi ngập sâu tới 70 cm và mấp mé tràn vào nhà dân. Cả trăm xe ô tô, xe tải được người dân đưa lên cầu Ái Nghĩa để tránh nước lũ dâng cao.
Tại vùng rốn lũ các xã Đại Lãnh, Đại An (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) nước dâng lũ dâng nhanh vào buổi tối khiến nhiều khu vực bị ngập sâu từ 0,8-1m. Trong đêm, nhiều hộ dân phải dọn đồ đạc lên mái nhà để tránh lũ. Ngoài ra, những khu vực trũng thấp của huyện Đại Lộc như các xã Đại Hòa, Đại Cường, Đại Nghĩa, Đại Hưng… bị chia cắt do nước lũ dâng cao.
Tại Thừa Thiên Huế, từ chiều 17/10 hồ chứa thủy lợi Tả Trạch có dung tích hơn 600 triệu m3 nước ở thượng nguồn sông Hương và hồ thủy điện Hương Điền (tỉnh TT-Huế) nhận lệnh tăng cường xả nước với lưu lượng lớn về hạ du. Trong khi đó, đoạn Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh bị ngập nặng gây ách tắc giao thông và khó khăn cho việc đi lại của người dân. Khu vực ven sông Bồ thuộc huyện Quảng Điền cũng bị ngập cục bộ.
Tại Đắk Nông, do mưa lớn, kéo dài, đến sáng 18/10, tại huyện Krông Nô có nhiều địa phương xảy ra tình trạng sạt lở đất gây ách tắc đường giao thông và ngập úng cục bộ làm thiệt hại hàng chục ha cây trồng của người dân.
Cụ thể, tại tuyến tỉnh lộ 4B đoạn qua thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú xảy ra 2 điểm sạt lở mái ta-luy dương, một khối lượng lớn đất đá đổ sập xuống đường ảnh hưởng việc lưu thông của người dân. Cầu qua suối Đắk Sôr, xã Nam Xuân nước tràn qua cầu dọc theo tuyến đường chiều dài khoảng 80m, ngập khoảng 70 cm, nước chảy xiết, người dân không lưu thông. Trên Quốc lộ 28, đoạn qua địa bàn thôn Phú Thuận, xã Quảng Phú, có 2 đoạn bị ngập nước với chiều dài khoảng 110m.
Thống kê ban đầu, có khoảng 30ha diện tích cây trồng bị ngập úng. Trong đó, xã Quảng Phú có hơn 6ha cây trồng dài ngày; xã Đức Xuyên hơn 20ha hoa màu ngắn ngày như lúa, ngô, bí đỏ... bị ngập chìm trong nước.
Theo đánh giá của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, hiện tại, mực nước tại một số đoạn sông, suối, ao, hồ trên địa bàn huyện Krông Nô đang có chiều hướng dâng cao. Trong những ngày tới, nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài, trên tuyến đường tỉnh lộ 4b thuộc địa bàn xã Quảng Phú có nguy cơ cao sạt lở và đá lăn xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông trong khu vực; một số vị trí có nguy cơ sạt lở ngập lụt, gây ảnh hưởng giao thông và cây trồng, tài sản của người dân.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang phối hợp chính quyền các địa phương tổ chức khắc phục hậu quả, theo dõi diễn biến thiên tai và chuẩn bị phương tiện, lực lượng sẵn sàng ứng phó với các tình huống.
Theo thống kê, đến sáng ngày 18/10, mưa lũ đã làm sạt lở đường giao thông tại 76 vị trí, gây ách tắc giao thông; 36 điểm đường quốc lộ và 143 tràn, điểm đường giao thông nội tỉnh bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông. Về nông nghiệp đã có 1.976 ha lúa và 59 ha diện tích hoa màu, cây cảnh các loại bị ngập, cuốn trôi tại các địa phương.
Hiện các tỉnh, TP như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã tổ chức sơ tán hàng ngàn hộ dân khu vực ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Thủ tướng cũng đã có công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên về việc tập trung ứng phó mưa lũ. Thủ tướng yêu cầu các địa phương triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời sự cố và hậu quả mưa lũ, không để bị động bất ngờ.
Để ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất và các hình thái thiên tai nguy hiểm, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo - Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài - đề nghị các bộ, ngành và địa phương rà soát, huy động lực lượng tổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là khu vực bị ngập sâu chia cắt, vùng thấp trũng ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực đã từng xảy ra sạt lở đất, ngập lụt năm 2020.
Hướng dẫn người dân đi lại an toàn khi có mưa lũ; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ giao thông an toàn qua các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu.
Triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập. Tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập; thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời sự cố và hậu quả mưa lũ, không để bị động bất ngờ.