Xã biên giới La Dêê những ngày hè không khí oi nóng khắp đầu thôn, cuối bản. Không khó để cảm nhận sự yên bình trên từng nóc nhà. Trên tay bồng đứa con khoảng 2 tuổi, chị Kring Loan, thôn Đắc Hà Lôi tỏ ra rất vui và hào hứng khi chúng tôi hỏi về “tiếng mõ an ninh”. Chị Loan kể: “Hơn một năm triển khai lắp mõ an ninh tại các thôn, nhiều vụ trộm cắp được phát hiện kịp thời. Có hôm tôi đang ở đằng sau nhà thì nghe tiếng mõ. Tôi vội vàng ra xem, thì ra có mấy người lạ giả vờ đi mua đồng nát để trộm đồ cổ, chống chiêng. Dân làng cùng nhau ùa ra nên đã bắt được trộm. Nhiều thanh niên trong xã hay uống rượu rồi gây rối trật tự, đánh nhau, dân làng cũng gõ mõ để kịp thời ngăn chặn những hành vi quá khích, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, tình làng nghĩa xóm”.
Cũng theo chị Loan, mõ được làm bằng gỗ, khoảng 5-6 phân, quy trình làm rất đơn giản. Tuy đơn giản nhưng lợi ích của “tiếng mõ” lại rất lớn. Không chỉ giữ gìn an ninh trật tự mà người dân gắn bó với nhau hơn, cộng đồng đoàn kết hơn.
La Dêê là xã vùng cao biên giới, có gần 400 hộ dân, trên 1.500 nhân khẩu, với gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo trên 48%. Đời sống của nhân dân chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi. Phương thức canh tác sản xuất còn lạc hậu. Tuy nhiên, chúng tôi có thể cảm nhận cuộc sống mới đang về trên mảnh đất này. Nhiều mái nhà khang trang hơn, đường bê tông đã và đang nối liền thôn xóm… Là xã biên giới, với sự hỗ trợ của các chiến sĩ Biên phòng nên người dân La Dêê rất quan tâm đến công tác giữ gìn an ninh trật tự.
Ông Trần Thanh Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã La Dêê cho biết: Từ tháng 5/2017, xã triển khai mô hình “tiếng mõ an ninh” nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Xã đã vận động đồng bào tham gia, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của từng người để kịp thời tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội. Cán bộ và nhân dân làm quen và xử lý một số tình huống về an ninh trật tự có thể xảy ra trên địa bàn. Các mõ an ninh được lắp tại các thôn. Đồng thời, xã vận động mỗi hộ gia đình phải làm một cái mõ an ninh, có thể bằng tre hoặc bằng gỗ. Việc xây dựng mô hình “tiếng mõ an ninh” được đưa vào tiêu chí bình xét danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa hằng năm.
Theo ông Vinh, từ khi triển khai mô hình đến nay, nhiều vụ gây gổ đánh nhau được ngăn chặn kịp thời, hay những vụ trộm cắp vặt cũng được ngăn chặn. Người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn an ninh.
Khắp bản làng La Dêê hôm nay, người dân đều đã quen thuộc với tiếng mõ. Họ nói vui với chúng tôi rằng từ khi có mõ là “một nhà có việc, cả làng cùng lo”. Khi có sự việc xảy ra, người dân sẽ gõ mõ báo hiệu cho thôn biết theo quy định ám hiệu. Gõ 1 hồi dài liên tục là báo hiệu có trộm cắp. Gõ 3 tiếng liên tục là báo hiệu có đánh nhau, gây mất trật tự công cộng. Gõ 1 hồi dài sau đó gõ 3 tiếng liên tục là báo hiệu có sự cố cháy nổ, hỏa hoạn. Nhận được tiếng mõ báo hiệu, các hộ dân trong thôn đồng loạt gõ mõ theo tiếng mõ báo hiệu và tham gia hỗ trợ các lực lượng đảm bảo an ninh trật tự của thôn để giải quyết các sự việc xảy ra. Điều quan trọng hơn là nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên nhân dân hiểu rõ khi tham gia bắt người vi phạm pháp luật không được đánh trọng thương các đối tượng.
Chia tay La Dêê, chúng tôi ấn tượng bởi cách người dân nơi đây giữ gìn an ninh trật tự, gắn bó cộng đồng. Trên những bản làng biên giới cần lắm những “mô hình nhỏ-ý nghĩa lớn” như thế để những vùng đất ấy luôn bình yên, làm phên dậu vững chắc nơi biên cương của Tổ quốc.
THANH HUYỀN