Nhiều thiệt hại
Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến hết ngày 11/10, mưa lũ đã làm 18 người chết, 14 người mất tích.
Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, tình hình ngập lụt với 176 xã, phường bị ngập, độ ngập sâu từ 0,3 - 3m. Nặng nhất là Quảng Trị có 80 xã; Thừa Thiên - Huế có 54 xã, phường… Tổng số hộ bị ngập là 109.034 hộ. Có 33.387 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó 4 nhà bị hư hỏng hoàn toàn. Các tỉnh đã tổ chức sơ tán 10.761 hộ với 31.295 khẩu, chủ yếu là di dời tại chỗ, nhiều nhất là Quảng Trị có 6.754 hộ với 19.381 khẩu.
Tại các tỉnh trên, có tổng số 17 tàu/106 người bị nạn, trong đó 11 tàu bị chìm, 6 tàu bị sự cố, đã cứu hộ an toàn được 99 người, 3 người bị chết, 4 người mất tích. Hiện, lực lượng chức năng tiếp tục triển khai tìm kiếm người bị mất tích. Tại biển Cửa Việt (Quảng Trị), có 9 thuyền viên bị mắc kẹt trên tàu Vietship trong suốt 3 ngày qua đã được cứu hộ an toàn đưa về bệnh viện cấp cứu.
Về nông nghiệp có 584ha lúa bị ngập, 3.897ha hoa màu bị ngập, 2.141ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 271 con gia súc, 1.50.489 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. 42 điểm trường bị ngập...
Tập trung ứng phó, khắc phục mưa lũ lớn
Tại cuộc họp bàn các biện pháp tập trung ứng phó với bão số 6 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, và mưa lũ diễn biến rất phức tạp ở miền Trung (ngày 11/10), Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nhấn mạnh: “Thực hiện nghiêm Công điện 1372/CĐ-TTg ngày 8/10 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung đối phó với mưa lũ tại các tỉnh miền Trung trong đó tập trung ứng phó và khắc phục ngay những hậu quả do mưa bão gây ra và kiên quyết không để người dân ở tình trạng “màn trời chiếu đất”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan liên quan rà soát lại các phương án trong công tác phòng chống thiên tai (nguồn nhân lực, phương tiện...), trên cơ sở đó hoàn thiện kế hoạch sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến bổ sung về nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị... phục vụ hiệu quả hơn cho công tác phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó, ngành trồng trọt cần kiểm tra, đánh giá những vấn đề liên quan đến lĩnh vực mình quản lý để có sự hỗ trợ cho vụ Đông - Xuân sắp tới..
Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, hiện nay, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia, gồm 4.000 tấn gạo (Thừa Thiên - Huế 1.000; Quảng Bình: 3.000); 10.000 thùng mỳ tôm, 2 tấn lương khô (Thừa Thiên - Huế); 110 tấn giống ngô, rau các loại (Quảng Bình); các loại thuốc, hóa chất khử trùng và trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn.