Nhiều hình thái thời tiết bất thường
Mặc dù mới giữa tháng 5, song tại tỉnh Lạng Sơn đã xảy ra hiện tượng mưa lũ bất thường. Ông Chu Văn Hải, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn cho biết, từ khoảng 1h đến 10h sáng 10/5, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh có mưa rất to và dông như ở Bắc Sơn 216mm, Lạng Sơn 116mm, Mẫu Sơn 67mm, Thất Khê 58mm... Mưa lớn đã làm 1 người chết do sạt lở đất vào nhà. Nạn nhân là chị Triệu Thị Lan (40 tuổi, ở xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn). Có 8 nhà bị sập đổ, 169 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất vào và bị ngập, trên 43 hộ dân bị ngập sâu 10-50cm. Về nông nghiệp, khoảng 1.500ha lúa và hoa màu bị ngập cục bộ, 3ha thủy sản và 6 con ngựa bị cuốn trôi. Nhiều tuyến đường giao thông như quốc lộ 1A, đường tỉnh 234, 234b, 229, 239, đường huyện 24, 28, 80A ngập úng cục bộ, ách tắc.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, tác động của biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng lên. Cập nhật nhận định từ các cơ quan khí tượng quốc tế, chuẩn sai nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2022 được dự báo tiếp tục tăng, từ 0,97 độ C đến 1,21 độ C so giá trị trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Năm 2022 có thể là năm thứ tám liên tiếp có nhiệt độ đã vượt quá 1 độ C so nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp.
Từ bị động đối phó sang chủ động phòng ngừa
Từ sự bất thường của thời tiết, thời gian tới đòi hỏi các địa phương, nhất là các tỉnh trung du miền núi phía bắc phải chủ động hơn trong phòng ngừa, ứng phó. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, bên cạnh những việc làm được, công tác phòng chống thiên tai vẫn còn một số khiếm khuyết, để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do chủ quan, bất cẩn.
Việc thực hiện phương châm "4 tại chỗ", nhất là xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở một số nơi còn mang tính hình thức. Khả năng ứng phó tình huống thiên tai lớn còn hạn chế, bị động, lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, năm 2021 và đầu năm 2022, khi mưa lũ dồn dập, công tác vận hành, điều tiết lũ hồ chứa và sự phối hợp giữa các địa phương còn tồn tại nhiều bất cập. Nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu, mới đáp ứng khoảng 20-30% nhu cầu thực tế của các địa phương.
Trước tình hình thiên tai diễn ra ngày càng bất thường và không theo quy luật, với quan điểm phòng, chống thiên tai thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ", đại diện Bộ Công thương cho biết, một số nội dung về quản lý an toàn hồ đập, hồ chứa thủy điện tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP đang phát sinh nhiều khó khăn, bất cập, Bộ Công thương đã kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi theo hướng: Giao cho các chủ sở hữu công trình trực tiếp kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện kiểm tra công tác kiểm tra đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện của các chủ hồ.
Cùng với đó, phân giao việc xây dựng bản đồ ngập lụt rõ ràng hơn nữa đối với đơn vị chủ trì, nguồn kinh phí để thuận tiện triển khai thực hiện. Đồng thời, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ - Chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy trình vận hành liên hồ chứa cho phù hợp điều kiện, tình hình thực tế; chỉ đạo các UBND tỉnh có công trình hồ chứa trên cùng một lưu vực sông liên tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ để việc điều tiết lũ các hồ chứa thủy điện bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du.
Chuyển dịch từ bị động đối phó sang chủ động phòng ngừa, các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, trang thiết bị để huy động ứng phó các tình huống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ", nhất là với bão mạnh, lũ, ngập lụt, sạt lở đất trên diện rộng.
Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao năng lực của lực lượng phản ứng nhanh tại chỗ, kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp ngay từ giờ đầu trước khi có lực lượng bên ngoài tiếp cận. Việc nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ phòng, chống thiên tai cấp huyện và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai là rất cần thiết. Cùng đó, các tỉnh, thành phố nghiên cứu, chỉ đạo và hoàn thiện mô hình hoạt động của Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã và trách nhiệm của các cấp trong tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.