Trong 8 xóm của xã Nga Tân, thì xóm 7 được người dân gọi là “xóm ung thư” bởi có nhiều người chết vì ung thư nhất xã. Nói đến sự “ra đi” của ông Mai Văn Hòa trong 4 người đã chết, ai cũng bùi ngùi. Trong căn nhà bong tróc hồ, trước di ảnh chồng, bà Mai Thị Sợi, vợ ông Hòa nước mắt lưng tròng chia sẻ: “Ông nhà tôi mất hơn 5 năm rồi. Ông ấy bị ung thư vòm họng, di căn thực quản. Ngày mới bị bệnh, nhà không có tiền nên đành bỏ liều. Lúc sức khỏe ông ấy yếu quá, đi khám trên Bệnh viện K-71 Thanh Hóa thì đã phát hiện ung thư vòm họng giai đoạn cuối” .
Bà Sợi kể lại, ông bà lấy nhau đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Đời bố mẹ của vợ chồng ông đã gắn bó với mảnh đất xã Nga Tân này từ những năm trước. Sau một buổi đi cắt cói về, ông Hòa kêu mệt, bỏ ăn, sau đó ông gầy rộc đi. “Gia đình tôi cứ tưởng ông ấy “ốm hao” (lao phổi). Mãi đến lúc ông ấy không ăn, không uống và liên tục khạc nhổ mới đi khám. Bệnh viện K-71 (Thanh Hóa) xác nhận, ông bị ung thư vòm họng giai đoạn 2. Được hơn 2 tháng sau thì ông ấy qua đời” , bà Sợi chia sẻ.
Cách nhà ông Mai Văn Hòa chừng 300 mét là nhà ông Nguyễn Văn Tự- một lão nông tri điền khỏe mạnh nhất xóm với nghề mưu sinh ùn tôm còng. Song chỉ chưa đầy một năm kể từ ngày lâm bệnh, ông Tự ra đi đột ngột sau một tháng ho ra máu, để lại vợ và đàn con nhỏ.
Anh Nguyễn Văn Duyên, con trai cả của ông Tự kể lại: “Thấy bố em ngày cứ gầy rộc đi và ho nhiều, gia đình tưởng bố làm nặng, ùn tôm còng nhiều nên bị ép phổi. Ai ngờ bệnh càng ngày một nặng thêm. Đến lúc bố em ho ra máu đi khám mới biết ung thư phổi. Đến bây giờ cũng chẳng biết nguyên nhân từ đâu. Ngày trước không có nước ngọt như bây giờ, đi ùn tôm còng, làm cói đều uống nước ruộng. Cứ ngửa mũ cối vục lên, uống cho đỡ khát thôi” . Anh Duyên kể tiếp: “Đau nhất là chú Trinh (em ruột ông Tự) cũng chết theo bố chỉ sau vài năm với căn bệnh ung thư vòm họng. Em có đứa con trai đang bị bại liệt, mẹ em bị tai biến, không biết có biến chứng ung thư như bố em không?” .
Theo lời kể của anh Duyên, chú anh là ông Nguyễn Văn Trinh, nguyên là bộ đội phục viên sau năm 1970, cũng như bao thanh niên xã Nga Tân ngày ấy, ông Trinh được coi là “lực điền” ùn tôm còng của xóm. Ông lấy vợ, sinh con như bao thanh niên khác. Sau một đêm thức thâu canh ùn tôm còng trở về, ông Trinh bị cảm rồi kêu đau họng. Nhà nghèo không tiền khám, chữa, đến lúc sức khỏe kiệt quệ, ông mới lên Bệnh viện K-71 Thanh Hóa khám. Bác sĩ kết luận, ông bị ung thư vòm họng. Chỉ một thời gian ngắn sau khi phát hiện, ông Trinh qua đời.
Hàng chục người xã Nga Tân bị ung thư chưa được điều tra, kết luận chính xác, song nhiều người dân ở đây đều cho rằng, sự tác động ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của xã Nga Tân chính là chất thải, chăn nuôi, chất thải công nghiệp từ các xã khác trên thượng nguồn.
Ông Mai Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Nga Tân cho biết, con sông Hưng Long trên thượng nguồn bắt nguồn từ Bỉm Sơn, đi qua xã Ba Đình, qua Bệnh viện Đa khoa huyện Nga Sơn, qua Nga Thanh và trước khi đổ ra biển, nước “án ngữ” ở đầu xã Nga Tân. Tất cả các chất thải trước khi đổ ra biển đều chảy qua xã Nga Tân.
“Người dân Nga Tân bao đời nay ăn, uống, tắm, giặt đều dùng nguồn nước giếng đào từ lòng đất. Xã Nga Tân mới có nước máy khoảng 2 năm trở lại đây thôi” , ông Tuấn nói. Người dân Nga Tân đang khẩn cầu các cơ quan chức năng có một cuộc khảo sát xét nghiệm mẫu nước trong lòng đất để tìm ra nguyên nhân ung thư. Nguyện vọng chính đáng này xin gửi đến các cơ quan chức năng xem xét.
TRẦN MẠNH TUẤN