Sau ngày giải phóng, giữa bộn bề khó khăn nhưng những người dân Lộc Bắc vẫn kiên trì bắt tay vào công cuộc xây dựng quê hương và hôm nay cuộc sống ở Lộc Bắc đã hoàn toàn đổi khác.
Vượt mọi khó khănHằn trong ký ức những người già ở Lộc Bắc, vùng đất kiên trung này đã có những cuộc “lột xác” kỳ diệu. Mới hơn 10 năm trước, đất đai còn khô cằn, lởm chởm đá, đường làng, đường xã trùng trùng cách trở thì nay xe máy, ô tô vi vu chạy đến từng ngõ ngách, vào tận núi, ra tận rẫy. Chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương, nông dân sản xuất giỏi K’Nhiễu ở thôn 2 tự tin: Xưa, ở hầm, ở trong ngách đá dưới sự rung chuyển của bom đạn vẫn không một ngày nhụt chí để đi theo địch thì nay cũng vậy, mãi mãi không nghe theo kẻ xấu. Những ruộng rẫy, rừng xưa góp phần nuôi giấu, che chở bộ đội thì nay giúp dân thoát nghèo, chỉ có ai không chịu làm, lười biếng thì mới nghèo đói thôi.
Sau câu chuyện của nông dân K’Nhiễu, ông K’Tư, Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc tự hào: Hiếm có nơi nào có được sự cần mẫn vượt khó như xã Anh hùng Lộc Bắc. Đây là xã vùng sâu của Lâm Đồng, hiện có gần 1.200 hộ dân sống đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau trong 4 thôn, 11 buôn. Dẫu có đến gần 80% là đồng bào DTTS (chủ yếu là người Mạ và Cơ-ho) nhưng Lộc Bắc đã đạt được 14 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, hằng tháng mỗi người dân Lộc Bắc có thu nhập trung bình trên 2 triệu đồng. 100% hộ dân có phương tiện nghe nhìn, dùng điện thoại, 100% trẻ em được tiêm chủng đầy đủ, đến trường đúng độ tuổi. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa được phát triển đến từng nhà, tuyệt đối không có tệ nạn ở xã Anh hùng Lộc Bắc.
Tiếp nối và phát triểnChủ tịch UBND xã, ông K’Tư tràn đầy hy vọng, nhìn nhận rằng: Cả kinh tế lẫn đời sống tinh thần đều chuyển biến tích cực. Các ngày lễ trọng đại như 30/4, 1/5… nhà nhà đều treo cờ Tổ quốc và ảnh bác Hồ. Đặc biệt, trong những ngày ấy tất cả tập trung ở nhà cộng đồng ôn lại truyền thống anh hùng của mảnh đất này, vui như mở hội vậy. Con em đồng bào DTTS trong xã lớn lên đã vươn ra các thành phố lớn để học đại học, mang tri thức về phát triển những cánh đồng cà phê, chè chất lượng cao. Những điều đang hiện hữu hôm nay cách đây 20 năm còn là giấc mơ của Lộc Bắc. Tình trạng lén lút phá rừng đã được khống chế. Cồng chiêng cũng như các điệu múa truyền thống được giữ gìn.
Nhớ lại những ngày đầu đi tập huấn kỹ thuật trồng cà phê chất lượng cao ở TP. Hồ Chí Minh, nông dân K’Nhiễu cùng nhiều người Mạ khác ở Lộc Bắc vỡ lẽ ra rằng; Cuộc sống đã đổi thay theo hướng hiện đại, làm nông dân cũng phải thu nhận kiến thức mới, ứng dụng công nghệ mới. K’Nhiễu còn bảo: Xưa cha tôi là già làng K’Minh cứ dặn: Không có nhiều chữ, không theo làm được ở cơ quan Nhà nước thì hãy chăm coi rừng, cuốc rẫy, trỉa bắp… Ngày ấy chăm chỉ là đủ nhưng giờ còn phải biết sáng tạo, áp dụng đúng các kỹ thuật của cán bộ hướng dẫn nữa mới nhanh thoát nghèo, tăng năng suất được.
Các cây trồng chủ lực của Lộc Bắc là chè, cà phê, bơ, lúa nước đều được áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc. Bên cạnh đó, Lộc Bắc còn có hàng chục trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt, gần 100% đồng bào DTTS còn hăng hái nhận quản lý bảo vệ rừng, xem rừng như báu vật cần gìn giữ cho mai sau bởi bao đời nay người Lộc Bắc luôn sống gắn bó với rừng, mất rừng thì cũng có nghĩa là mất đi những nét đặc sắc của vùng đất này và gây ra nhiều biến đổi tiêu cực đến môi trường và khí hậu.
Khi cái bụng đã no, cộng đồng các dân tộc ở Lộc Bắc chọn món ăn tinh thần để xua tan những nhọc nhằn thường nhật là các điệu chiêng, điệu múa, bài hát truyền thống. Với họ, tiếng chiêng cất lên cũng như nỗi lòng người cất lên, vui tươi và hào sảng. Nhiều thanh niên trong các buôn, làng còn dành thời gian quyết học cho được nhiều điệu chiêng quý để gìn giữ. Họ tự hào được sinh ra trên quê hương anh hùng và cùng nhau phát huy tinh thần đoàn kết, học hỏi và lao động để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.
HÀ VĂN ĐẠO