Trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung Biên bản thỏa thuận, hợp tác phát triển du lịch giữa 6 tỉnh, đã tạo nên những thuận lợi nhất định từ công tác quản lý Nhà nước, đến xác định thị trường trọng điểm, góp phần phát huy tối đa tài nguyên du lịch của từng địa phương, khai thác nguồn lực hợp lý, tạo động lực phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cộng đồng dân cư các địa phương.
Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chung giữa các địa phương có sự phối hợp chặt chẽ, giúp tiết giảm chi phí cho mỗi địa phương, nhưng vẫn làm cho sản phẩm du lịch mang tính liên vùng; giới thiệu được hình ảnh con người và phong tục tập quán độc đáo của các dân tộc ở từng địa phương đến với du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho ngành Du lịch 6 tỉnh có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, liên kết cùng nhau phát triển.
Trong năm 2023, ngành Du lịch của 6 tỉnh tiếp tục khởi sắc, tổng lượng khách du lịch đến các địa phương tăng cao. Cụ thể: So với năm 2022, tỉnh Bình Định đón hơn 5 triệu du khách, tăng 21%; tỉnh Đăk Lăk đón hơn 1,1 triệu du khách, tăng 16%; tỉnh Gia Lai đón 1,2 triệu du khách, tăng 25%; tỉnh Kon Tum đón hơn 1,3 triệu du khách, tăng 21%; tỉnh Phú Yên đón hơn 3,2 triệu du khách, tăng 44%; tỉnh Quảng Ngãi đón hơn 1 triệu du khách, tăng 64%. Đặc biệt, các sản phẩm du lịch đặc trưng về trải nghiệm văn hóa của đồng bào DTTS, du lịch sinh thái, biển đảo đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Tại Hội nghị, đại biểu của 6 tỉnh đã thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục làm tốt công tác kết nối du lịch, tạo sự liên kết lan tỏa trên nhiều lĩnh vực giữa các tỉnh theo hướng bền vững, cùng phát triển; xây dựng và duy trì môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện, mến khách, đặc biệt trong mùa lễ hội, sự kiện sắp tới tại các địa phương.
Cùng với đó, xây dựng môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực ngành quản lý; tiếp tục khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch; không ngừng làm mới và bổ sung các sản phẩm du lịch có chất lượng, có đặc trưng riêng để phát huy hết tiềm năng, lợi thế về du lịch của từng địa phương.