Lễ Thắk Côn diễn ra với các nghi thức chính mang tinh thần Phật giáo. Trong 3 ngày diễn ra Lễ hội, các nghi thức chính cũng giống như Lễ cầu an, gồm dâng cơm cho sư, mời sư tụng kinh cầu siêu, làm phước để cầu an cho dân và sau cùng là thuyết pháp cho Phật tử nghe về giáo lý nhà PhậtÔng Danh Pung, Trưởng Ban quản trị chùa Mahasal Thatmon, cho biết: “Lễ hội bắt nguồn từ một truyền thuyết xưa. Tại vùng đất An Trạch, bỗng xuất hiện một gò đất có hình dáng như chiếc cồng. Mỗi khi có người bước lên, gò đất lại ngân vang như tiếng cồng linh thiêng. Ai giẫm lên mà nghe được âm thanh ấy thì gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, mạnh khỏe, mùa màng tốt tươi. Về sau, tiếng cồng nhỏ dần rồi biến mất. Người dân tin rằng nơi đây có thần linh ngự trị nên đã lập miếu thờ. Hằng năm, bà con trong vùng tổ chức Lễ cầu an tại miếu, gọi là Lễ Thắk Côn. Trong tiếng Khmer, “Thắk Côn” nghĩa là “đạp cồng”, gợi lại huyền tích thiêng liêng ấy”.
Vào những ngày diễn ra Lễ Thắk Côn, con đường dẫn vào chùa Mahasal Thatmon rực rỡ sắc màu của những chiếc bình bông được làm từ trái dừa - lễ vật mà đồng bào Khmer gọi là Slathođôn. Đây là một phần không thể thiếu trong nghi thức dâng cúng, mang đậm dấu ấn tín ngưỡng truyền thống. Vì vậy, Lễ Thắk Côn còn được người Khmer gọi là Lễ cúng dừa.
Lễ vật dâng cúng trong Lễ Thắk Côn là chiếc bình bông làm bằng trái dừa (slathođôn) vạt miệng được tạo thành bởi những lá trầu xanh và những bông hoaChiếc bình bông Slathođôn được tạo nên từ trái dừa vạt miệng - loại trái cây có nước ngọt lành, tinh khiết, tượng trưng cho sự thanh sạch và thiêng liêng. Phần “cây bông” phía trên được kết bằng lá trầu xanh và các loại hoa tươi. Miếng trầu - lễ vật quen thuộc trong đám cưới, giỗ chạp và nghi thức cúng tổ tiên - càng làm tăng tính trang trọng và linh thiêng cho lễ vật dâng cúng.
Mỗi mùa Lễ Thắk Côn, chùa Mahasal Thatmon đón hàng vạn lượt người về tham dự. Tùy theo tâm nguyện, mỗi gia đình mang theo một đến vài cặp dừa dâng cúng. Có nhà chỉ dâng 1- 2 cặp, cũng có gia đình chuẩn bị đến 7-8 cặp dừa với màu sắc đa dạng, thể hiện lòng thành và sự trân trọng đối với nghi lễ truyền thống thiêng liêng này.
Anh Kim Rây, người dân xã Tân Hiệp (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh), chia sẻ: “Tôi đã vài lần được hòa mình trong không khí tươi vui của Lễ Thắk Côn. Nghi thức cúng dừa mang nét văn hóa rất riêng của người Khmer, thể hiện ước vọng về một cuộc sống an lành, hạnh phúc. Lễ hội giúp người ta nhớ về cội nguồn, tổ tiên và sống chan hòa với nhau hơn”.
Năm nay rất đông du khách từ khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về dự Lễ Thắk Côn, với ước vọng về sự an lành, hạnh phúc, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu...Không chỉ là sinh hoạt tâm linh, Lễ Thắk Côn còn là ngày hội văn hóa lớn của cộng đồng. Các hoạt động văn nghệ, vui chơi, giải trí diễn ra nhộn nhịp suốt ngày đêm; quán ăn, quán nước mở cửa phục vụ đến tận sáng. Nam thanh nữ tú của ba dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn có dịp gặp gỡ, giao lưu, kết bạn, làm cho không khí Lễ hội càng thêm rộn ràng, chan hòa như một đêm hội trăng rằm giữa lòng đồng bằng.
Khi Lễ hội kết thúc, người Khmer tổ chức nghi lễ tống tiễn đầy trang nghiêm. Lễ vật như muối, gạo, củi… được đặt trong một chiếc thuyền làm từ bẹ chuối. Các vị À char (sư cả, người chủ trì nghi thức) thắp nhang, cầu khấn tạ ơn thần linh đã phù hộ. Sau ba tuần rượu, Lễ kết thúc trong âm vang của tiếng trống, tiếng cồng, cờ lễ được hạ xuống, thuyền lễ được thả trôi theo dòng nước – mang theo ước nguyện về một năm mới bình an, trọn vẹn.
Lễ Thắk Côn không chỉ là di sản văn hóa tâm linh đặc sắc của người Khmer Sóc Trăng, mà còn là nhịp cầu kết nối cộng đồng, gìn giữ và lan tỏa giá trị truyền thống giữa đời sống hiện đại. Đây còn là dịp để mỗi người con Khmer trở về với cội nguồn, gửi gắm ước nguyện an lành và hun đúc tình yêu quê hương.