Từ năm 1981, một phong trào ca hát về Bác Hồ, về Tổ quốc, về Đảng đã ra đời với tên gọi Liên hoan tiếng hát Làng Sen. Phong trào ca hát ngày càng lan rộng, trở thành mạch nguồn cho văn nghệ sĩ, quần chúng nhân dân sáng tác, thể hiện các ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu.
Nhận thấy tầm quan trọng và sức ảnh hưởng lớn của hoạt động nghệ thuật từ “Liên hoan tiếng hát Làng Sen”, năm 2002, tỉnh Nghệ An đã nâng lên thành “Lễ hội Làng Sen” với quy mô cấp tỉnh (tổ chức hàng năm) và toàn quốc (5 năm tổ chức một lần) vào mỗi dịp sinh nhật Bác.
Những năm qua, Lễ hội Làng Sen đã thu hút nhiều tầng lớp nhân dân không chỉ trong tỉnh mà nhân dân cả nước, kiều bào nước ngoài, du khách quốc tế hưởng ứng, tham dự.
Một hoạt cảnh trong lễ hội Làng Sen
Có thể thấy, trong suốt quá trình diễn ra Lễ hội Làng Sen, nội dung Liên hoan “Tiếng hát Làng Sen” đã thu hút nhiều sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân. Đó cũng là dịp để các đoàn nghệ thuật quần chúng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhằm phát huy, phát triển phong trào nghệ thuật quần chúng, từ đó, bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa, văn nghệ đặc trưng của từng địa phương, vùng miền.
Mỗi một kỳ lễ hội, những người làm công tác tổ chức đã rất trăn trở, tâm huyết, trách nhiệm với từng nội dung, chương trình. Nghệ thuật biểu diễn cũng như nội dung thể hiện ngày càng được làm mới hơn, hấp dẫn hơn… Đặc biệt, trong những năm gần đây, sự đổi mới trong nội dung, hình thức thể hiện của Lễ hội Làng Sen mang tính sáng tạo ngày càng cao; trở thành điểm nhấn quan trọng thu hút đông đảo người dân và du khách.
Một tiết mục biểu diễn tại Liên hoan Tiếng hát Làng Sen huyện Hưng Nguyên năm 2023
Những năm gần đây, trong các chương trình nghệ thuật của Lễ hội Làng Sen, những trích đoạn, phân cảnh, ca từ… về người mẹ Làng Sen, về gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, về công lao trời biển của Người… đã tạo ra biết bao xúc cảm, niềm tin yêu, biết ơn vô hạn của người dân cả nước. Lắng đọng từ những chương trình nghệ thuật của Lễ hội Làng Sen như làm mỗi chúng ta sống lại bao kí ức giản dị, gần gũi nhưng rất đỗi thiêng liêng về Bác.
Tự bao giờ, Lễ hội Làng Sen đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá tinh thần không thể thiếu của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Nghệ An nói riêng. Tham gia lễ hội, xem lễ hội… là dịp để mỗi chúng ta hiểu sâu sắc hơn về người Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới – Hồ Chí Minh.
Dòng người hành hương về quê Bác
Trải qua hàng chục lần tổ chức, sức lan tỏa của Lễ hội làng Sen càng ngày càng mạnh mẽ và trở thành điểm nhấn không thể thiếu trong mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, đóng góp một phần quan trọng vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Hồ Chí Minh. Bao năm qua, về với quê Bác, về với làng Sen, về với Nghệ An… đang trở thành một “điểm cầu” tâm linh trên bước đường hành hương của bao người. “Điểm cầu” tâm linh ấy chính là mạch nguồn xúc cảm, nuôi dưỡng, nâng niu bao ước mơ, bao khát vọng… để việc học tập và làm theo Bác không còn là những khẩu hiệu sáo rỗng, giáo điều.
Lễ hội Làng Sen đang ngày càng “vượt tỉnh”, không chỉ là ngày hội của xứ Nghệ mà trở thành ngày hội lớn của người dân cả nước. Nhưng, với tư cách là trung tâm của lễ hội, là mảnh đất đã sinh ra người con kiệt xuất của cả nước; chắc chắn vẻ đẹp văn hóa Hồng - Lam, các danh thắng xứ Nghệ sẽ được mọi người biết, tìm về nhiều hơn; để nét đẹp văn hóa dân tộc ấy trở thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Lễ rước ảnh Bác Hồ tại Lễ hội Làng Sen năm 2022
Hơn 40 năm qua, kể từ khi khởi phát chương trình nghệ thuật về Người thông qua Liên hoan tiếng hát Làng Sen; điều đọng lại lớn lao trong tâm trí nhân dân tỉnh Nghệ An và người dân cả nước chính là lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Niềm thành kính, biết ơn ấy được cất lên từ sâu thẳm con tim, từ vời vợi tâm khảm…, để mỗi lần “nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn”, để cốt cách và con người Hồ Chủ tịch lan tỏa hơn bao điều tốt đẹp về những giá trị chân, thiện, mỹ.
Viết đến đây, tôi chợt nhận ra rằng, Lễ hội Làng Sen chính là lễ hội ơn Người!