Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Lào Cai, đã có hơn 800/21.000ha ngô toàn tỉnh bị sâu keo tấn công. Diện tích bị sâu gây hại tập trung ở các huyện Bát Xát (hơn 500ha), huyện Văn Bàn (96ha), huyện Bảo Thắng (23ha) và huyện Bảo Yên (10ha)...
Ông Phạm Quốc Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lào Cai lo lắng nói: Sâu keo là loài gây hại từ trong ra ngoài với sức ăn rất khoẻ tại phần ngọn non của cây ngô. Thời điểm gây hại khi cây ngô đạt từ 3-9 lá, thậm chí đã xoáy nõn. Với những diện tích ngô đã hạn chế sâu bệnh, phần nõn tiếp tục chồi thành lá, tuy nhiên sẽ ảnh hưởng tới năng suất. Sâu keo có đầu hình chữ “Y” ngược. Trên lưng sâu, đốt áp sát đuôi có 4 chấm đen cân đối. Mỗi đốt thân có 4 chấm xếp hàng thành hình thang, lưng có 3 sọc màu sáng chạy song song.
Để phòng trừ loài sâu này, cán bộ Chi cục cũng đã khuyến cáo bà con nên dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Captain 350SC; Opulent 150SC; Virtako 40WG; Takumi 20WG; Dupont Prevathon 5SC; Clever 150SC, 300WG… Nếu là thuốc dạng bột thì chúng ta rắc thẳng vào nõn ngô. Đối với thuốc là dung dịch, khi phun phải hướng đầu vòi chĩa thẳng vào nõn của cây ngô, tránh thuốc trôi theo lá xuống đất.
Bên cạnh đó, bà con có thể dùng tay vạch nõn ngô để bắt từng con. Với những cách làm này, nếu người dân áp dụng đúng có thể khống chế rất nhanh sâu bệnh. Riêng phương pháp bắt bằng tay, tuy hơi mất công nhưng cũng nhanh, không gây độc hại môi trường”, ông Cường hướng dẫn.
Cũng theo ông Cường, sau khi hướng dẫn người dân cách phòng trừ, qua kiểm tra thì diện tích ngô bị sâu gây hại tại xã Gia Phú đã phát triển xanh tốt trở lại. Mật độ cũng như tốc độ lây lan của sâu cũng đã giảm rất nhiều. Theo ông Cường, nếu như chính quyền chung tay cùng người dân, cơ quan chức năng vào cuộc thì loài sâu bệnh này không đáng lo.
Bát Xát là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất, sâu keo đã lan rộng hơn 500ha ngô ở các xã: Dền Thàng, Bản Qua, Phìn Ngan, Pa Cheo...; Theo ông Sí Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, từ giữa tháng Tư, sâu keo đã lây lan, phá hoại cây ngô rất nhanh. Tuy nhiên, đây là loại sâu mới nên người dân chưa có kinh nghiệm cũng như thuốc đặc hiệu để phòng, trừ, việc khống chế triệt để gặp nhiều khó khăn. Với sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, huyện Bát Xát đang hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiêu diệt tận gốc loại sâu này, không để lan rộng và ảnh hưởng đến năng suất cây ngô.
Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai thông tin: Ngay sau khi phát hiện, ngành Nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã tiến hành lấy mẫu gửi về Hà Nội xác định đúng loài gây bệnh để tiến hành các biện pháp phòng trừ. Tuy nhiên, đây là loài sâu có khả năng kháng thuốc bảo vệ thực vật nên việc phòng trừ rất khó khăn.
“Ngay từ cuối tháng 4, chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho phòng Nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố và biên soạn tài liệu hướng dẫn cách nhận biết, các biện pháp phòng trừ; tăng cường cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, theo dõi sát tình hình để tham mưu biện pháp phòng trừ kịp thời...”, ông Nhẫn cho biết thêm.
TRỌNG BẢO