Hiện nay, Na Chi Lăng được trồng tập trung chủ yếu ở các xã Chi Lăng, Mai Sao, Thượng Cường, Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ. Đến hết năm 2022, có 3 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và xã Chi Lăng, xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; 1 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Chi Lăng còn tập trung phát triển một số sản phẩm nông nghiệp khác như: Các loại cây có múi với diện tích khoảng 500 ha; vùng nguyên liệu thuốc lá khoảng 800 ha; vùng sản xuất ớt, lạc, hồi, thông; các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là Ngựa bạch Hữu Kiên với quy mô trên 1.300 con, giá trị ước trên 70 tỷ đồng…
Hội chợ Na Chi Lăng năm 2022 và Chương trình truyền thông quảng bá Thương hiệu sản phẩm Na Chi Lăng và các nông đặc sản trên nền tảng kỹ thuật số nhằm tôn vinh các cá nhân, hộ gia đình, tập thể tiêu biểu, xuất sắc đã có nhiều đóng góp trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm na và các sản phẩm nông nghiệp; góp phần nâng cao thương hiệu sản phẩm Na Chi Lăng…
Theo thông tin tại buổi Họp báo, Hội chợ Na Chi Lăng năm 2022 gồm các hoạt động: Truyền thông về hội chợ, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, du lịch huyện Chi Lăng; tổ chức phát động sản xuất na và các nông đặc sản theo hướng sản xuất an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tổ chức công bố nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Gà Vạn Linh và công nhận sản phẩm na đạt OCOP 4 sao…
Các nội dung nằm trong khuôn khổ Hội chợ Na Chi Lăng năm 2022 được triển khai từ tháng 7 đến hết tháng 10/2022. Lễ khai mạc Hội chợ Na Chi Lăng năm 2022 với chủ đề “Na Chi Lăng - Ngọt ngào hương vị Xứ Lạng” được tổ chức vào 20h ngày 9/9, tại Trung tâm Giới thiệu nông sản huyện Chi Lăng.
Cũng tại buổi Họp báo, lãnh đạo huyện Chi Lăng đã thông tin, trả lời phóng viên các cơ quan báo chí một số nội dung liên quan đến định hướng sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ na; phát triển nông nghiệp gắn với du lịch; tình hình sản xuất, chế biến các sản phẩm từ na…