Sự kiện có ý nghĩa đặc biệt
Mới đây, tại TP Pleiku (Gia Lai ), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị tiếp xúc đồng bào DTTS, miền núi các tỉnh khu vực Tây Nguyên gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Theo báo cáo tại Hội nghị, hiện nay, Tây Nguyên có tổng diện tích gần 54.500km2, nằm ở Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn với thổ nhưỡng, khí hậu đa dạng. Với vị trí ở trung tâm miền núi Nam Đông Dương, địa thế hiểm yếu, có hành lang tuyến tự nhiên thông với Lào, Campuchia và các tỉnh duyên hải Trung bộ nên Tây Nguyên giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế - xã hội. Tổng dân số các tỉnh Tây Nguyên khoảng 6 triệu người với 54 thành phần dân tộc. Trong đó, người DTTS chiếm trên 36,5%.
Năm 2022, tình hình vùng DTTS và miền núi các tỉnh Tây Nguyên cơ bản ổn định; các chương trình, dự án dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi phát huy tốt hiệu quả; chương trình an sinh được chú trọng; đồng bào DTTS các tỉnh Tây Nguyên tích cực thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phát động.
Đồng thời, nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực vươn lên phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo bền vững. Hệ thống MTTQ và tổ chức thành viên các cấp trong vùng, đã chủ động phối hợp triển khai công tác dân tộc, nắm bắt kịp thời tình hình vùng DTTS và miền núi, sáng tạo, đổi mới hình thức vận động, tập hợp quần chúng Nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng và Nhà nước…
Các đại biểu đến với Hội nghị đều bày tỏ sự vui mừng vì thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến vùng đồng bào DTTS, miền núi. Nhờ đó, diện mạo nông thôn mới tại các địa phương có nhiều khởi sắc; đời sống Nhân dân ngày một cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ngày một giảm...
Những ý kiến tâm huyết
Tại Hội nghị, bà Hbliăk Niê (dân tộc Ê Đê, Người có uy tín buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) bày tỏ: Buôn làng chúng tôi rất vui mừng khi được Đảng và Nhà nước quan tâm triển khai các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho con em xuất khẩu lao động, tăng thu nhập. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn, Nhà nước cần thực hiện tốt hơn nữa việc ổn định dân du canh du cư, di cư tự phát, hỗ trợ đất sản xuất cho bà con DTTS; xây dựng cơ sở hạ tầng ưu tiên thôn buôn khó khăn; việc đào tạo nghề cho lao động là người DTTS tìm kiếm việc làm nhưng cũng cần phải giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc mình trong thời kỳ hội nhập.
Đồng quan điểm về giữ đất sản xuất, khắc phục việc đào tạo nghề hiệu quả gắn với thực tế, bà Triệu Thị Sa (dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ thôn Thanh Bình, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) cho biết thêm: Hiện nay, tìm kiếm việc làm cho bà con đang gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tốt nghiệp của các em học sinh DTTS tại các trường đại học còn ít, trong khi tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước cũng hạn chế, làm cách nào để các em học sinh DTTS phát huy được năng lực, có việc làm phù hợp?
Ngoài ra, chúng tôi rất quan tâm đến việc phát huy bản sắc dân tộc, đặc biệt là du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hoá, chúng tôi rất ủng hộ và mong muốn có thêm kinh phí để hỗ trợ phát triển mô hình này.
Còn già làng HMrik (dân tộc Gia Rai, Người có uy tín làng La Nueng, xã Biển Hồ, tỉnh Gia Lai) đề xuất mong muốn, hiện nay, Người có uy tín, già làng ngày càng cao tuổi, nhưng không có lương hưu hay khoản thu nhập khác. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ kinh phí cho hoạt động vận động, tuyên truyền bà con trong thôn làng đồng bào DTTS được hiệu quả. Cùng với đó, mong Nhà nước quan tâm hơn nữa đến việc khám chữa bệnh cho các đối tượng trên.
Ông A Bók, thôn Kon Năng Treang, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà (Kon Tum) cũng bày tỏ mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng để thu hút các nhà máy, khu công nghiệp đến hoạt động trên địa bàn. Đây là cơ hội để giúp con em đồng bào Tây Nguyên có việc làm, cải thiện thu nhập, cải thiện đời sống. Đồng thời, ông cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, phối hợp lồng ghép với các chương trình, chính sách khác trên địa bàn để phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung.
Tại Hội nghị này, đại biểu các tỉnh Tây Nguyên cũng có những kiến nghị tập trung về triển khai đồng bộ, kịp thời công tác quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư tại các dự án thủy điện trên địa bàn, bảo đảm đời sống người dân đến nơi ở mới. Thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ về nhà ở, vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật, bình ổn giá; có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển chợ nông thôn và các loại hình chợ phù hợp để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, chợ truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc vừa là nơi giao thương, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan chức năng cần thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý, để bảo đảm người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin cũng như cơ hội tìm kiếm việc làm; tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng để thu hút các nhà máy, khu công nghiệp...
Sau khi lắng nghe các ý kiến, nguyện vọng của đồng bào DTTS các tỉnh Tây Nguyên, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã bày tỏ sự đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ cùng các đại biểu. Theo ông Đỗ Văn Chiến, khi nói đến Tây Nguyên, là nói đến 3 vấn đề: Đại ngàn Tây Nguyên, văn hóa Tây Nguyên và lòng dân Tây Nguyên. Do đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng mong muốn tiếp cận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các DTTS, miền núi. Trên cơ sở đó, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến, trao đổi, thống nhất, phối hợp hành động với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban dân tộc và Ban Dân vận Trung ương giải quyết từng bước, đáp ứng mong mỏi của bà con.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước nhất quán chủ trương các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Và thời gian qua, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành đã dành sự quan tâm rất đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào các dân tộc thiểu số cũng cần phát huy nội lực, nỗ lực vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.