Nhớ lại thời điểm năm 2008, khi mới được lãnh đạo tỉnh điều chuyển công tác từ Trưởng phòng của Thanh tra tỉnh Lai Châu sang nhận nhiệm vụ Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, chị Vương cũng cảm thấy bối rối, mông lung khi chưa biết bắt đầu “công tác dân tộc” từ đâu. Cơ quan lúc đó hầu hết là các cán bộ trẻ mới tuyển dụng. Các bạn làm việc chủ yếu theo tính chất sự vụ chứ chưa có tầm tư duy tổng hợp, khái quát.
Sau khi nghiên cứu kỹ chức năng, nhiệm vụ của Ban và soi chiếu vào thực tế cơ quan, chị thấy có nhiều điều chưa phù hợp: từ cơ cấu tổ chức đến phương pháp tham mưu, triển khai, thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Chị bắt tay vào nghiên cứu lại tất cả các văn bản liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong từng giai đoạn khác nhau. Sau đó, hệ thống lại và tham mưu cho Trưởng Ban sửa đổi một số điều trong quy chế làm việc của đơn vị mình.
Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, chị Lò Thị Vương cũng nhận thấy những khó khăn, thách thức rất lớn trong việc triển khai, thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn các xã, bản ĐBKK. Nguyên do bởi địa bàn Lai Châu quá rộng, có tới 20 dân tộc anh em cùng cư trú trên những bản làng xa xôi, cách trở. Nhiều dân tộc có xuất phát điểm kinh tế, xã hội rất thấp như dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Si La, Khơ Mú ở huyện Mường Tè, Nậm Nhùn… Một số dân tộc có tỷ lệ người mắc nghiện ma túy, nghiện rượu khá cao dẫn tới bản làng đói nghèo hơn các dân tộc khác như dân tộc Mảng, La Hủ. Những khó khăn này đòi hỏi đội ngũ những người làm công tác dân tộc phải luôn suy nghĩ, trăn trở tìm giải pháp nào thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm, quyết tâm vươn lên thoát nghèo…
Vì thế, trong quá trình làm công tác dân tộc, chị Lò Thị Vương thường xuyên trực tiếp đến tận thôn, bản được thụ hưởng các chính sách dân tộc để nắm tình hình, thông qua đó, kịp thời phát hiện những sai sót từ cơ sở nhằm nhắc nhở, chấn chỉnh tháo gỡ, giúp cho cơ sở khắc phục trong quản lý đảm bảo đúng quy định, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống của đồng bào. Đồng thời, chị còn trực tiếp làm giảng viên các đợt tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã, thôn bản ĐBKK thuộc Chương trình 135; tập huấn cung cấp thông tin về chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước cho người có uy tín trên địa bàn tỉnh...
Cũng trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách dân tộc thuộc Chương trình 134, 135 trên địa bàn tỉnh, chị Lò Thị Vương đã tham mưu, đề xuất một số phương pháp phối hợp giữa quân và dân, giữa Ban Dân tộc tỉnh và Bộ đội Biên phòng để trực tiếp xuống các bản tập huấn, xây dựng mô hình phát triển kinh tế, giúp bà con dân tộc Mảng, La Hủ ở các xã biên giới Pa Ủ, Ka Lăng, Thu Lũng (huyện Mường Tè) biết khai hoang đất trồng cây lúa nước, xóa nhà tạm dột nát. Nhờ có đề xuất của chị mà việc triển khai chương trình xóa nhà tạm cho người dân ở vùng biên giới có sự chung tay, giúp sức rất lớn của lực lượng Bộ đội Biên phòng phát huy hiệu quả cao.
Vài năm trở lại đây, Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu đã thể hiện ngày càng rõ nét vai trò tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Các chính sách dân tộc triển khai tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả cao. “Đó là thành quả của một quá trình nỗ lực vươn lên không ngừng nghỉ của cả tập thể Ban Dân tộc. Đặc biệt là sự đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của tập thể Lãnh đạo, sự cố gắng và trưởng thành của đội ngũ công chức của Ban”, chị Lò Thị Vương khẳng định.
NGỌC ÁNH