Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Lai Châu (áo trắng) trao đổi với Người có uy tín xã San Thàng, TP. Lai Châu“Cầu nối” giữa Đảng với Nhân dân
Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Lai Châu có 1.105 Người có uy tín. Đây là những già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người am hiểu phong tục, tập quán và có ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng. Họ chính là “cầu nối” giữa Đảng với Nhân dân, đồng thời là “người truyền lửa”, lan tỏa tinh thần đổi mới đến từng bản làng.
Người có uy tín tại địa phương đã phát huy tốt vai trò tuyên truyền, vận động đồng bào từ bỏ các hủ tục lạc hậu, không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục, không vượt biên trái phép hay di cư tự do. Nhiều người trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác hòa giải mâu thuẫn, hướng dẫn đồng bào phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Công tác tuyên truyền, vận động ngày càng bài bản, sát thực, phù hợp với đặc điểm văn hóa - xã hội của từng dân tộc. Nhờ đó, Người có uy tín góp phần tích cực trong tăng cường thực hiện dân chủ ở cơ sở, phòng ngừa vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trên địa bàn được triển khai đúng quy định của Chính phủ. Vai trò của họ ngày càng được phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ vậy, đồng bào các dân tộc thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Lai Châu
Ông Giàng Vần Thàng, Người có uy tín ở bản La Vân, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ chia sẻ: “Trước đây, bà con mình chưa hiểu chính sách của Đảng. Nhờ được đi tập huấn, tham quan các mô hình hay, tôi biết cách truyền đạt lại cho bà con. Hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi, bà con làm theo nên đời sống ngày càng khấm khá, nhà cửa khang trang hơn”.
Còn bà Giàng Thị Sinh, Người có uy tín ở bản Sảng Phìn, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ cho biết: “Năm ngoái, tôi được đi tập huấn ở tỉnh, được gặp gỡ anh chị em ở nhiều dân tộc khác nhau. Trở về bản, tôi chia sẻ lại với chị em phụ nữ cách giữ gìn sức khỏe, cách nuôi con học hành. Mình nói, bà con nghe, thấy vui lắm”.
Tỉnh Lai Châu cũng luôn quan tâm tạo điều kiện để Người có uy tín phát huy vai trò trong cộng đồng. Nhiều chính sách thiết thực được triển khai như cung cấp thông tin, hỗ trợ vật chất và tinh thần, tổ chức tôn vinh, khen thưởng Người có uy tín có thành tích nổi bật.
Riêng năm 2024, tỉnh đã tổ chức 6 hội nghị, lớp tập huấn cung cấp thông tin cho 375 Người có uy tín; tổ chức 3 đoàn đi tham quan, giao lưu học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương khác. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ như cấp phát báo, tạp chí; tặng quà dịp lễ, Tết; mua thẻ bảo hiểm y tế; thăm hỏi khi ốm đau… được thực hiện đầy đủ với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng.
Đoàn Người có uy tín tỉnh Lai Châu thăm quê Bác tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ AnNhững hoạt động này không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà còn tiếp thêm động lực để Người có uy tín tiếp tục cống hiến, trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc trong cộng đồng, góp phần nâng cao vai trò, vị thế và trách nhiệm của họ đối với sự phát triển bền vững của địa phương.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Lai Châu nhận định: “Việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trên địa bàn được triển khai đúng quy định của Chính phủ. Vai trò của họ ngày càng được phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ vậy, đồng bào các dân tộc thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”.
Bà Hù Cố Xuân, dân tộc Si La, nghệ nhân văn hóa - Người có uy tín ở bản Seo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu hướng dẫn cho lớp trẻ bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc. Ảnh TLNâng cao hiệu quả chính sách trong giai đoạn mới
Từ thực tiễn triển khai và yêu cầu mới trong công tác dân tộc, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Lai Châu xác định sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả các chính sách dành cho Người có uy tín. Trọng tâm là đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng vùng miền; tổ chức các lớp tập huấn cập nhật thông tin thời sự; nghiên cứu nâng mức hỗ trợ và đa dạng hóa hình thức động viên để phù hợp với các nhóm đối tượng Người có uy tín.
Cùng với đó, chính quyền cơ sở cần tăng cường phối hợp theo dõi, phát huy vai trò của Người có uy tín; lồng ghép việc triển khai chính sách vào các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Việc nhân rộng các mô hình tiêu biểu, thường xuyên rà soát, kiểm tra và điều chỉnh chính sách theo thực tiễn cũng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
Ông Nguyễn Đức Thuận nhấn mạnh: “Việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với Người có uy tín không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà còn góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở”.
Với quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, Người có uy tín ở Lai Châu sẽ tiếp tục là những “ngọn đuốc sáng” giữa đại ngàn Tây Bắc, thắp lên tinh thần đoàn kết, khơi dậy ý chí vươn lên, góp phần xây dựng bản làng ngày một giàu đẹp, văn minh.