Lai Châu là tỉnh nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam, với những lợi thế đặc trưng về khí hậu và địa lý, tạo ra các sản phẩm chè đặc trưng, có chất lượng cao. Lai Châu hiện có gần 9.000 ha chè, với các giống đa dạng như: Chè cổ thụ, Shan tuyết, Kim Tuyên, PH8... tập trung tại các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Tp. Lai Châu, Phong Thổ, Sìn Hồ. Nhiều diện tích trồng chè đã được cấp giấy chứng nhận theo các quy trình kỹ thuật an toàn, như: VietGAP, RA.
Hằng năm, tỉnh sản xuất ra gần 10.000 tấn sản phẩm chè với nhiều mẫu mã đa dạng, như: Chè CTC BOP, chè CTC BP, chè CTC PD, chè CTC PF, chè xanh sao lăn, chè xanh duỗi, chè Ô long, Matcha, Sencha, Đông phương mĩ nhân, Hồng chè… Trong đó, có 2 sản phẩm được chứng nhận Halal là: Green Tea và Sencha Tea; 1 sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia; 1 sản phẩm đạt danh hiệu Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt nam năm 2020; 5 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và 12 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm chè của tỉnh Lai Châu hiện nay chủ yếu là xuất khẩu sang Afghanistan, Pakistan, Trung Quốc, Đài Loan và một phần tiêu thụ trong nước. Trong đó, xuất khẩu trực tiếp đạt gần 35% sản lượng, với các dạng sản phẩm chè xanh sao lăn, chè đen, Sen cha, Hồng chè, Đông phương mỹ nhân, Ô long, còn lại là xuất khẩu ủy thác và tiêu thụ trong nước.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết: Là địa phương có vùng nguyên liệu chè rộng, sản phẩm chè phong phú, song việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè của tỉnh Lai Châu còn gặp một số khó khăn, như: Việc xây dựng các tiêu chuẩn, chứng nhận cho vùng nguyên liệu và các sản phẩm chưa được nhiều, thị trường tiêu thụ nhiều thời điểm gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cước phí vận tải tăng cao...
Hiện nay, sản phẩm chè Lai Châu xuất khẩu sang các thị trường Trung Đông và Bắc Phi, Nam Á vẫn còn khiêm tốn. Nguyên nhân là do chưa có nhiều thông tin về thị trường giữa doanh nghiệp và dối tác. Hội thảo sẽ là cơ hội để kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Lai Châu với đối tác nước nước ngoài kết nối xuất khẩu lâu dài.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: Lai Châu mong muốn kết nối với các doanh nghiệp của các nước trong việc hợp tác đầu tư và phát triển giao thương tiêu thụ sản phẩm chè của tỉnh Lai Châu, như: Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phát triển vùng nguyên liệu, chuyển giao công nghệ chế biến và đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm chè của tỉnh Lai Châu.
“Lai Châu luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu chè. UBND tỉnh Lai Châu, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho đối tác hai bên hợp tác phát triển ngành Chè Lai Châu, bảo đảm phát triển bền vững trong tương lai”, ông Hải nhấn mạnh.
Tại Hội thảo diễn ra hai phiên thảo luận, gồm: Sản phẩm chè Lai Châu tăng cường tiếp cận thị trường Trung Đông và Bắc Phi, Nam Á: Tiềm năng, thế mạnh và cơ hội; Phương hướng thúc đẩy hợp tác sản xuất tiêu thụ chè giữa tỉnh Lai Châu với các đối tác Trung Đông và Bắc Phi và Nam Á.
Ông Ali Akbar Nazari, Đại sứ Iran tại Việt Nam cho rằng: Iran là thị trường có nhiều tiềm năng để tiêu thụ chè, với 85 triệu dân. Đây là đồ uống quan trọng và phổ biến tại Iran. Iran thường nhập khẩu chè qua nước trung gian, vì vậy để thâm nhập vào thị trường này thì cần phải chú trọng về khâu đóng gói và chất lượng sản phẩm.
“Iran sẵn sàng đồng hành thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam nói chung và sản phẩm chè Lai Châu nói riêng” ông Ali Akbar Nazari nhấn mạnh.
Chia sẻ về dư liệu thị trường ở các nước Trung Đông, ông Nguyễn Tiên Phong, Đại sứ Việt Nam Pakistan cho biết: Pakistan là thị trường nhập khẩu chè đen lớn nhất của Việt Nam. Đây là thị trường dễ tính hơn các thị trường khác. Đây chính là cơ hội để Lai Châu xuất khẩu sản phẩm chè đen CDC sang thị trường này.
“Dư liệu thị trường chè ở Pakistan còn rất nhiều, để tăng cường xuất khẩu, Lai Châu cần đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng công nghệ chế biến chè đen CDC, đẩy mạnh hình thức quảng cáo, xúc tiến thương mại, đóng gói sản xuất theo tiêu chuẩn HALAL. Đẩy mạnh ứng dụng thông tin để kết nối với các doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài để tiến hành giao thương xuất khẩu”, ông Phong nhận định.
Hội thảo cũng được nghe ý kiến của các vị đại biểu chia sẻ, thảo luận các giải pháp phát triển ngành Chè, kết nối doanh nghiệp sản xuất chè của tỉnh Lai Châu với các đối tác nhập khẩu tại các thị trường.