Bảo tồn văn hóa truyền thống
Nằm trên độ cao 1.400m so với mặt nước biển, bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu) cách thị trấn Tam Đường khoảng 6 km, với 62 hộ, khoảng 300 nhân khẩu dân tộc Dao sinh sống. Đây là điểm du lịch nổi tiếng của huyện Tam Đường, mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hoá, ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Dao và là điểm hấp dẫn để những người yêu thích dù lượn đến khám phá, trải nghiệm.
Theo bà Tẩn Thị Nhẫn, Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu, một trong những điểm nhấn, hấp dẫn du khách ở bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải là nhà trình tường. Đây là nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao ở Sì Thâu Chải nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung.
“Trên cơ sở nếp nhà của người dân, chúng tôi vận động Nhân dân chỉnh trang lại nhà trình tường để phục vụ du khách. Ngoài ra, huyện cũng hỗ trợ mở các lớp học nghề truyền thống như là đan mũ đuôi ngựa của người Dao để gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc, phát triển du lịch cộng đồng”, Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu chia sẻ.
Được biết, để giúp người dân trong bản làm homestay, từ năm 2022, xã Hồ Thầu đã cấp kinh phí sửa chữa nhà theo Nghị quyết số 59/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh Lai Châu ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài sửa chữa nhà truyền thống, trong tháng 4/2023, huyện Tam Đường đã mở lớp truyền dạy nghề làm mũ lông đuôi ngựa dân tộc Dao cho 20 học viên, được tổ chức trong 20 buổi dưới sự hướng dẫn trực tiếp của 02 nghệ nhân.
Theo Nghị quyết số 59/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Lai Châu, các địa phương và hộ dân trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ kinh phí để khôi phục lễ hội, nghề thủ công truyền thống; bảo tồn và phát huy các lễ hội, tổ chức các đội văn nghệ quần chúng; cải tạo, sửa chữa nhà ở truyền thống… Từ đó, các địa phương đã phát huy lợi thế về văn hóa của từng dân tộc, điều kiện cảnh quan của từng bản, vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn văn hóa dân tộc mình, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng. Chỉ riêng tại huyện Tam Đường, toàn huyện đã hỗ trợ xây dựng và đưa vào hoạt động mới 15 homestay, nâng số homestay của huyện lên 40; duy trì, phát triển 4 nghề thủ công truyền thống: rèn, dệt, mây tre đan, làm mũ lông đuôi ngựa tại các bản du lịch; khôi phục, bảo tồn, phát triển được 7 lễ hội truyền thống tại các xã, thị trấn.
Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Lai Châu, với tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, người dân trong vùng đồng bào Thái, Dao, Lự, Mông... tại các bản du lịch cộng đồng đã có thu nhập cao hơn nhờ làm du lịch. Với mong muốn đưa văn hóa các dân tộc lan tỏa, vươn xa, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Lai Châu cũng đã và đang tích cực phục dựng, phát triển các lễ hội đặc trưng, nhằm đưa văn hóa đến gần hơn với người dân, du khách, từng bước phát triển du lịch một cách bài bản, bền vững.
Đây cũng là định hướng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu khóa XIX tại Nghị quyết số 04/NQ/TU ngày 17/2/2021 về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh Lai Châu đặt mục tiêu huy động nguồn lực đầu tư, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại.
Theo ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lai Châu, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 04/NQ/TU. Đến nay, Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, phát huy và lan tỏa. Hiện Lai Châu đã phục dựng 10 lễ hội, duy trì tổ chức 34 lễ hội; trên địa bàn tỉnh có 45 trường học thành lập câu lạc bộ, xây dựng các hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; toàn tỉnh duy trì hoạt động của 864 đội văn nghệ thôn bản, 24 đội văn nghệ xã…
Dịp nghỉ lễ Tết Độc lập 2/9 vừa qua, tỉnh Lai Châu được đông đảo du khách cả nước và quốc tế chọn là điểm đến. Để có được ấn tượng tốt đó, tỉnh cùng nhiều địa phương trên địa bàn đã tổ chức đồng loạt nhiều chương trình, lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc như: Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Lai Châu; Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Tam Đường, Chương trình Tết Độc lập và Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Than Uyên… Theo thống kê của Sở VHTT&DL cho thấy, trong 9/2023, toàn tỉnh ước đón hơn 799 nghìn lượt khách, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu ước đạt hơn 586 tỷ đồng.
Theo đại diện Sở VHTT&DL Lai Châu, từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc để quảng bá đất và người Lai Châu. Đáng chú ý, từ ngày 3-5/11, tỉnh Lai Châu đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc có dân số dưới 10.000 người toàn quốc lần thứ I, năm 2023. Tham dự sự kiện có các dân tộc có số dân dưới 10.000 người như: Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Cống, Bố Y, Cờ Lao, Mảng, Lô Lô, Chứt, Lự, Pà Thẻn và Ngái… Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ có nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc, bao gồm phần trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Việc đăng cai tổ chức “Ngày hội Văn hóa các dân tộc có dân số dưới 10.000 người toàn quốc lần thứ I, năm 2023” không chỉ có ý nghĩa quảng bá hình ảnh của tỉnh mà qua sự kiện này, Lai Châu mong muốn đóng góp vào công tác bảo tồn, phát triển các dân tộc rất ít người. Trong 16 dân tộc rất ít người của cả nước thì người Si La là một trong những dân tộc có dân số ít nhất (chỉ có ở Lai Châu, Điện Biên) và có nền văn hóa khá đa dạng, đặc trưng riêng. Do đó, “Ngày hội Văn hóa các dân tộc có dân số dưới 10.000 người toàn quốc” là một điều kiện để quảng bá văn hóa đặc sắc của dân tộc Si La nói riêng, của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu nói chung.