Có thể khẳng định, công tác cán bộ có tầm quan trọng quyết định đến sự phát triển của đất nước. Vì vậy, việc lựa chọn, bố trí, sử dụng đúng cán bộ sẽ phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, là điều kiện để cán bộ cống hiến, phát huy năng lực, đồng thời sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.
Cách đây 76 năm, Cách mạng tháng Tám thành công và sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đưa nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã đứng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Thời điểm tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa, Đảng ta chỉ có 5.000 đảng viên, nhưng do biết nắm bắt thời cơ; có phương pháp đấu tranh cách mạng phong phú, linh hoạt; cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu, Đảng ta đã phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân để giành chính quyền.
Sau đó, suốt 30 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, chúng ta đã đánh bại các cuộc xâm lược của ngoại bang, làm nên những chiến công hiển hách, thu đất nước về một mối. Và ngày nay, với trên 5,2 triệu đảng viên, tròn 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dẫu còn muôn vàn khó khăn, thách thức, nhưng với đường lối, chủ trương, sách lược đúng đắn, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân làm nên những thành tựu vô cùng to lớn.
76 năm qua, với trọng trách lịch sử, Đảng ta đã làm tròn chức năng lãnh đạo và vai trò cầm quyền, đây là hai quyền năng cơ bản, bất di bất dịch mang tính bản chất, không thể thay đổi trong bất cứ tình huống nào. Chức năng lãnh đạo của Đảng được thể hiện trong việc đề ra cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách đối nội, đối ngoại của Đất nước bằng phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp thực hiện cụ thể, phù hợp với quá trình lâu dài và thời gian cụ thể trong từng thời kỳ, giai đoạn. Vai trò cầm quyền của Đảng được thể hiện trong việc thiết lập hệ thống chính trị trong mối quan hệ biện chứng Đảng lãnh đạo, Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý đều khắp từ Trung ương đến địa phương với đội ngũ cán bộ chủ chốt, người đứng đầu là đảng viên cộng sản.
Để làm tròn chức năng lãnh đạo và vai trò cầm quyền của Đảng, tất cả mọi đảng viên được bố trí, giao nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý, điều hành trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị đều phải hội đủ toàn bộ phẩm chất, tư cách, tiêu chuẩn, trình độ, năng lực chung theo quy định của Đảng. Thực tế chứng minh, những thành tựu, kết quả trong suốt các chặng đường phát triển cách mạng đều gắn liền với sự cố gắng chung của toàn bộ hệ thống chính trị và sự đóng góp của Nhân dân, trong đó một phần quan trọng là sự góp công của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong từng bộ máy, cơ quan, đơn vị.
Công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ; sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Phải hết sức chú trọng xây dựng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”.
Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Tuy nhiên, trong từng giai đoạn, thời điểm lịch sử, chúng ta đã mắc những sai lầm trong việc bố trí, sử dụng cán bộ, từ đó dẫn đến những hệ quả đau lòng. Tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng cần các thông tin về công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ theo quy hoạch, đặc biệt là việc bảo đảm đúng quy trình giới thiệu cán bộ vào nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số có sự đổi mới theo hướng dân chủ, chú trọng chất lượng và gắn trách nhiệm của cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Yêu cầu nhân sự phải bảo đảm nguyên tắc, quy chế, quy định, phát huy tinh thần trách nhiệm, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan; bảo đảm cơ cấu, thành phần và nâng cao chất lượng. Kiên quyết không bỏ sót người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời, không để lọt vào Ban Chấp hành những người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; những người khi thực hiện nhiệm vụ không có sự đổi mới, quyết liệt phấn đấu vươn lên trên cương vị công tác của mình trong nhiệm kỳ vừa qua. Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải bảo đảm tiêu chuẩn về tinh thần yêu nước, bản lĩnh chính trị; phẩm chất đạo đức, được cán bộ, đảng viên, Nhân dân tín nhiệm; bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền của mình để trục lợi… Đồng thời, có tầm nhìn, có trình độ để tham gia hoạch định đường lối, chính sách; là người có năng lực, sáng tạo, làm việc hiệu quả, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phải là những người thật sự tiêu biểu, mẫu mực về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, năng lực lãnh đạo; có tầm nhìn và tư duy chiến lược, có khả năng phân tích, dự báo, tổng hợp, đề xuất những vấn đề mới một cách đúng đắn; có trình độ hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị, biết phát hiện và sử dụng người có đức có tài, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.