Ưu tiên cho công tác phòng chống dịch Covid-19
Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu quốc hội cơ bản đồng tình với kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN 6 tháng đầu năm; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 với 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng 2 chỉ tiêu so giai đoạn 2016-2020 (8 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội và 6 chỉ tiêu về môi trường). Một số chỉ tiêu quan trọng là: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi NSNN bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.
Thảo luận về các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, nhiều đại biểu cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cần đặc biệt ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch, có biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa thúc đẩy phát triển KT-XH; đồng thời quan tâm đến người nghèo.
“Quyết liệt phòng chống dịch nhưng không thái quá, cực đoan, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Coi dịch bệnh Covid-19 là phép thử đối với quốc gia trong phát triển KT-XH. Trong thực hiện gói an sinh xã hội mới, Chính phủ cần triển khai phần mềm liên thông đến các địa phương, tránh bỏ sót đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời, đánh giá sức chống chịu của doanh nghệp trong tình hình hiện nay để có giải pháp trong thời gian tới” - đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) kiến nghị.
Bố trí đủ nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi
Thảo luận về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2026, một số đại biểu kiến nghị: Chính phủ cần quan tâm hơn đến vấn đề tự chủ của các cơ sở giáo dục, nghề nghiệp để có nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, quan tâm phát triển đường giao thông, phát triển cây dược liệu, có chính sách hợp lý bảo vệ người nông dân, tránh tình trạng “được mùa rớt giá”; tiếp tục có các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm ban sinh xã hội trên tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”…
“Về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, Chính phủ cần bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện, đảm bảo đúng trọng tâm trọng điểm, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn, hướng tới hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn”, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) kiến nghị.
Vào cuối phiên họp buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về gói hỗ trợ 62 ngàn tỉ đồng của Chính phủ. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Sắp tới, Chính phủ sẽ điều chỉnh bổ sung kịp thời các chính sách mới, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, thực hiện đúng đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công…
Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại Hội trường, tiếp tục thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.
Theo Chương trình kỳ họp, ngày 26/7/2021, Quốc hội tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch nước; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, chiều ngày 24/7, Quốc hội đã biểu quyết về việc thay đổi nội dung chương trình kỳ họp, rút ngắn thời gian họp. Theo đó, dự kiến, kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV bế mạc vào chiều 28/7/2021 (rút ngắn 03 ngày so dự kiến ban đầu để tập trung cho công tác phòng chống dịch Covid-19).