Trình bày Tờ trình về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được thực hiện quyết liệt với nhiều đổi mới. Thể chế, chính sách về đầu tư công được hình thành, ngày càng hoàn thiện, tạo khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về đầu tư công điều chỉnh chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; trình tự, thủ tục còn phức tạp; việc bố trí vốn mặc dù được cải thiện nhưng vẫn còn dàn trải, chia cắt, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch.
Theo dự kiến, giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân đạt trên 90%; số dự án hoàn thành trong giai đoạn chiếm trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn.
Dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 có tổng mức vốn ngân sách Nhà nước là 2.870 nghìn tỷ đồng, bao gồm: 1.500 nghìn tỷ đồng vốn Ngân sách Trung ương và 1.370 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách địa phương. Tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 dưới 5.000 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020.
“Chính phủ sẽ tăng cường triển khai quyết liệt hơn nữa Luật đầu tư công, đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án quan trọng của quốc gia, các dự án trọng điểm; kiên quyết cắt giảm thủ tục không cần thiết, giao dự toán, giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu; tiếp tục đơn giản hóa cao nhất về trình tự, thủ tục; tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cam kết.
Trình bày Báo cáo thẩm tra về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cơ bản tán thành với một số nhận định về kết quả đạt được tại Báo cáo của Chính phủ.
Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, còn một số tồn tại, hạn chế: Chi đầu tư Ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 không đạt so với kế hoạch Quốc hội quyết định. Tỷ lệ chi đầu tư giữa Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương giảm dần qua các năm, tích lũy ngân sách cho chi đầu tư phát triển có xu hướng giảm và ở mức thấp. Nhiều dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm chậm tiến độ, một số công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn. Nhiều trường hợp bố trí vốn không đúng tiến độ, nhiều dự án chưa đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công. Việc sử dụng nguồn dự phòng chung và dự phòng 10% để lại tại Bộ, ngành, địa phương còn dàn trải. Việc thực hiện cam kết bố trí vốn của địa phương để hoàn thành các dự án chưa tuân thủ nghiêm túc…
“Ủy ban - Tài chính Ngân sách cho rằng, việc chậm trễ là do yếu kém trong tổ chức thực hiện; chậm tiến độ giải phóng mặt bằng; chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư; chất lượng dự án chưa đảm bảo, phải điều chỉnh dự án nhiều lần; bố trí vốn không kịp thời; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, ban quản lý chưa đáp ứng yêu cầu… Đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt để khắc phục trong thời gian tới” – ông Nguyễn Phú Cường nhận định.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, về tổng thể, vốn đầu tư công giai đoạn tới dự kiến tăng 1,43 lần so với số kế hoạch giai đoạn 2016-2020 là tích cực. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ lưu ý: Tiếp tục rà soát thận trọng nguồn thu để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch, giữ vững an toàn nợ công; việc xác định dự toán chi đầu tư hàng năm phải dựa trên cơ sở thu Ngân sách Nhà nước thực tế từ thực lực của nền kinh tế, vay đầu tư trong khả năng trả nợ, không tạo áp lực trả nợ quá lớn cho giai đoạn sau; Bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng với các nhiệm vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Cuối phiên họp buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Buổi chiều, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Các đại biểu thảo luận ở tổ về Phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Vào cuối phiên họp buổi chiều, Quốc hội họp riêng, nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước; thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước.
Tại phiên họp ngày 24/7, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát động lời kêu gọi ủng hộ Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 theo lời kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Ông Bùi Văn Cường cho biết: Tính đến sáng 24/7/2021, Việt Nam đã có gần 87 ngàn người nhiễm Covid-19, cao điểm có tới gần 7.300 ca bệnh trong ngày 23/7, dịch đã lây lan rộng đến các địa phương, kinh tế -xã hội gặp nhiều khó khăn, các lực lượng phòng chống dịch đã và đang ngày đêm trên các tuyến đầu phòng chống dịch bệnh. Trước diễn biến phức tạp của dịch, để chia sẻ khó khăn, chung tay, góp sức, phát huy truyền thống tương thân, tương ái, hưởng ứng lời kêu gọi và phát động của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Quốc hội tổ chức quyên góp ủng hộ Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 trên cơ sở tự nguyện, phù hợp khả năng tài chính của các vị đại biểu Quốc hội.