Tại phiên thảo luận nhiều đại biểu đánh giá cao công tác giảm nghèo và xây dựng NTM trong thời gian qua và cho rằng, giảm nghèo của Việt Nam được coi là điểm sáng, được cộng đồng quốc được tế đánh giá cao, thể hiện hướng đi đúng của Việt Nam. Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về công tác giảm nghèo, xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và có nhiều đề xuất cụ thể.
Theo đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, cần khẩn trương ban hành tiêu chí về đối tượng, nội dung, nguyên tắc hỗ trợ để các địa phương triển khai thực hiện theo hướng lồng ghép 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội ̣(KT-XH) vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2030).
“Công tác giảm nghèo luôn được Nhà nước quan tâm, triển khai và đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, nguy cơ tái nghèo còn cao, nhất là ở vùng DTTS và miền núi....Vì vậy, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành khẩn trương ban hành các văn bản liên quan để các địa phương triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia...”, đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) kiến nghị: Cần lồng ghép giới vào các dự án giảm nghèo, trong đó tập trung giải quyết các vấn đề có liên quan đến phụ nữ, trẻ em, thu hẹp khoảng cách về giới, tăng quyền cho phụ nữ trong giảm nghèo. Trong huy động, phân bổ nguồn vốn, cần chú trọng tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gắn với đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, thực hiện các mô hình sinh kế...
Một số đại biểu cho rằng, cần có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng NTM, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào xây dựng NTM, đặc biệt áp dụng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong huy động, phân bổ nguồn vốn cần chú trọng tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gắn với đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, kết nối hạ tầng vùng khó khăn với vùng có điều kiện thuận lợi; khai thác các nguồn lực quốc tế, thực hiện các mô hình sinh kế, đảm bảo an sinh, ổn định xã hội...
Sau khi đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiếp thu, giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Trước phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt Quốc hội phát biểu Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày thương liệt sỹ. “Quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, là đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định.
Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi đến các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trong cả nước lời thăm hỏi ân cần, tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc.