Sau khi Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày về Một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Kết quả cho thấy, có 463/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (đạt tỷ lệ 93,72%) với việc thông qua Luật Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) gồm 7 Chương, 80 Điều; sửa đổi, bổ sung toàn bộ các Điều (bao gồm các Điều được bỏ, chuyển nội dung sang Điều khác, bổ sung 3 Điều); và bổ sung khoản 5 của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Luật quy định về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của cơ quan, tổ chức; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đối tượng áp dụng Luật là người tiêu dùng; tổ chức, cá nhân kinh doanh; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (gọi chung là tổ chức xã hội) tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) quy định rõ hơn về Trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thông báo cho người tiêu dùng về việc tiếp nhận phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phản ánh, yêu cầu, khiếu nại đó.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa hoặc trực tiếp cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng có trách nhiệm xây dựng và công khai quy trình tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng niêm yết ở vị trí dễ nhìn thấy tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có). Quy định tại khoản này không bắt buộc áp dụng đối với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh, tất cả doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cũng quy định rõ Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng bao gồm: Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hệ thống thông tin tự mình thiết lập hoặc thông qua các nền tảng số. Tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian. Tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có trách nhiệm thực hiện quy định tại Điều 37 và Điều 38 của Luật này, Mục 2 Chương này trong trường hợp cung cấp dịch vụ liên tục.
Ngoài trách nhiệm quy định tại khoản 2 Điều này, tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian có trách nhiệm chỉ định, công bố công khai đầu mối liên hệ, người đại diện được ủy quyền phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng, công bố công khai quy chế hoạt động của nền tảng số cho người tiêu dùng trong đó phân định rõ trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch; cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động trên nền tảng số khi người tiêu dùng giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh đó có yêu cầu.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.