Ông A Lưới (dân tộc Gia Rai), Người có uy tín làng Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy cho biết: Từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 đã làm thay đổi diện mạo thôn, làng vùng đồng bào DTTS; đồng bào DTTS được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, làm nhà và cây con giống, qua đó, giúp đồng bào DTTS nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Tuy nhiên, so với vùng thuận lợi thì đời sống của đồng bào DTTS nơi đây còn nhiều khó khăn, vì vậy tôi mong muốn từ kết quả của Cuộc điều tra 53 DTTS, Đảng, Nhà nước tiếp tục xây dựng các chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS trong giai đoạn 2026 – 2030 phù hợp với điều kiện thực tiễn ở cơ sở.
Bà Y Hlạng (dân tộc Xơ Đăng), làng Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông nhấn mạnh: Cuộc điều tra 53 DTTS tôi cho rằng rất thiết thực. Tôi cũng mong muốn, qua cuộc điều tra này thì sẽ đánh giá đúng thực trạng về công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc hiện nay. Từ đó, xây dựng chính sách phù hợp, đề ra những giải pháp sát với thực tiễn đời sống xã hội hiện nay để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc cho những năm tiếp theo.
Ông A Khum (dân tộc Gié Triêng), làng Đăk Tu, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei cho biết: Đối với đồng bào DTTS hiện đang sinh sống ở khu vực biên giới cũng mong muốn, từ kết quả của Cuộc điều tra 53 DTTS Đảng, Nhà nước tiếp tục xây dựng những chính sách đầu tư toàn diện cho vùng đồng bào DTTS.
Riêng đối với vùng biên giới tôi cũng mong muốn Đảng, Nhà nước có chính sách ưu tiên đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân khu vực biên giới đi lại, giao thương hàng hóa. Bởi hiện nay, các tuyến đường từ trung tâm huyện Đăk Glei vào các xã biên giới đã xuống cấp trầm trọng và chưa được quan tâm đầu tư.
Ông A Mưu (dân tộc Brâu), làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách đầu tư toàn diện cho các DTTS rất ít người, trong đó có dân tộc Brâu. Chính vì vậy, kinh tế của người Brâu ở làng Đăk Mế có sự phát triển đáng kể, các giá trị văn hóa được gìn giữ và phát huy.
Tôi cũng mong muốn từ kết quả của Cuộc điều tra 53 DTTS thì Đảng, Nhà nước tiếp tục xây dựng các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào DTTS rất ít người, nhất là lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ để xây dựng làng Đăk Mế trở thành làng du lịch cộng đồng, giúp cho người Brâu được quảng bá văn hóa và có thêm nguồn thu nhập từ hoạt động du lịch.
Bà Y Gar (dân tộc Ba Na), Người có uy tín thôn 12, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy: Hiện nay, vai trò của đội ngũ già làng, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS rất quan trọng. Họ chính là cầu nối của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương với Nhân dân. Họ luôn tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chăm lo phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Tuy nhiên, chính sách đãi ngộ cho Người có uy tín còn ít.
Vì vậy, tôi mong muốn qua kết quả của Cuộc điều tra 53 DTTS năm 2024 vừa diễn ra, trong giai đoạn tới Đảng, Nhà nước nên quan tâm có chính sách hỗ trợ hằng tháng để động viên đội ngũ Người có uy tín trong cộng đồng
Ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Tu Mơ Rông là huyện 30a, với hơn 95% dân số là đồng bào Xơ Đăng. Huyện có địa bàn rộng và chia cắt, kết cấu, hạ tầng kinh tế - xã hội tuy đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, một số thôn, làng đặc biệt khó khăn chưa được đầu tư cứng hóa đường giao thông; một số cầu treo dân sinh đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư nâng cấp sửa chữa.
Chính vì vậy, huyện mong muốn, từ kết quả Cuộc điều tra 53 DTTS, Trung ương hoạch định và xây dựng chính sách đầu tư toàn diện cho vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, thì trong giai đoạn II: Từ năm 2026 – 2030 cần có sự điều chỉnh các dự án cho phù hợp với điều kiện thực tiễn ở cơ sở, nhất là quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng; hỗ trợ để đồng bào DTTS trồng rừng, trồng dược liệu và phát triển sản xuất. Qua đó, sẽ góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng ở các thôn, làng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS.