Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề về hạ tầng cho các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Vì vậy, những thông tin thu thập từ cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 (gọi tắt là cuộc Điều tra) ở nhiều địa bàn thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc cần được cập nhật để sát với thực tiễn.
Cập nhật thiệt hại về nhà ở
Thời điểm này, cả nước đang hướng về thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) với sự khắc khoải, mong ngóng về một phép màu nào đó dành cho những người đang mất tích. Chỉ trong tích tắc, trận lũ quét xảy ra lúc 6 giờ sáng ngày 10/9/2024 đã san phẳng thôn Làng Nủ.
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Lào Cai, tính đến 9 giờ sáng 12/9) lũ ống, lũ quét tại thôn Làng Nủ đã làm 41 người tử vong,17 người bị thương, 54 mất tích, 46 người an toàn.
Với những người may mắn sống sót, không chỉ mất người thân mà giờ đây, họ đang đối diện với bao nỗi lo toan trước mắt.
Là một trong rất ít người dân của thôn Làng Nủ thoát khỏi thảm họa, anh Nguyễn Văn Thinh vẫn còn rất bàng hoàng. Anh kể, khoảng 6 giờ sáng ngày hôm đó, cả gia đình anh đang ngồi trong nhà thì nghe tiếng nổ lớn, đất đá ụp xuống. Anh bị bùn đất đẩy ra rất xa, sau đó lực lượng chức năng cứu kịp thời.
Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến sáng ngày 12/9, bão số 3 và mưa lũ đã làm 326 người chết, mất tích; 807 người bị thương. Cùng với đó, nhà hư hỏng là 130.268 nhà; 57.857 nhà bị ngập.
Được sống là may mắn, nhưng hiện anh Thinh chưa có thông tin về các thành viên trong gia đình. Nhà ở cũng như tài sản thì đã bị vùi lấp hoàn toàn. Tính chung cả thôn Làng Nủ, 37 hộ bị vùi lấp nhà ở, nhiều nhà bị sập đổ hoàn toàn.
Hiện công tác cứu hộ, cứu nạn ở thôn Làng Nủ vẫn đang được các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tỉnh Lào Cai khẩn trương triển khai, với ưu tiên cứu người là trên hết. Đồng thời cũng cần đề cao cảnh giác nguy cơ sự cố thiên tai tiếp tục xảy ra, nhất là các tình huống xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Sau thiên tai, bên cạnh tập trung hỗ trợ, ổn định đời sống người dân thôn Làng Nủ, UBND xã Phúc Khánh và UBND huyện Bảo Yên cũng cần cập nhật lại số liệu thực trạng kinh tế - xã hội của thôn để báo cáo UBND tỉnh Lào Cai. Bởi, hiện dữ liệu kinh tế - xã hội của thôn Làng Nủ đã hoàn toàn khác so với thời điểm cách đây gần 1 tháng, khi thực hiện cuộc Điều tra 53 DTTS năm 2024.
Cũng như xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, ngoài tổng hợp tình hình thiệt hại do thiên tai thì các địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai cần cập nhật số liệu về thực trạng kinh tế - xã hội ở các địa bàn thuộc phạm vi cuộc Điều tra năm 2024, nhất là về thực trạng nhà ở của các hộ trên địa bàn.
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Lào Cai, tính đến sáng 12/9, toàn tỉnh có 8.624 nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi, tăng hơn 1.200 nhà so với cuối chiều hôm qua. Việc cập nhật số liệu kịp thời sẽ giúp tỉnh Lào Cai bổ sung, điều chỉnh dữ liệu cuộc Điều tra để sát với thực tế, trước khi gửi Tổng cục Thống kê tổng hợp, sau đó chuyển Ủy ban Dân tộc.
Đây cũng là một nhiệm vụ của các địa phương vùng DTTS và miền núi bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3. Điều này là rất cần thiết bởi dữ liệu từ cơ sở là căn cứ quan trọng để thực hiện chính sách trong thời gian tới, nhất là nội dung hỗ trợ nhà ở thuộc Dự án 1 - Chương trình MTGQ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Đánh giá đúng thực trạng hạ tầng
Cùng với việc cập nhật thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân, thì trong quá trình thống kê, các địa phương cũng lồng ghép đánh giá thực trạng hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh trên địa bàn sau bão số 3. Thiệt hại do mưa lũ đang tăng lên từng ngày ở nhiều địa phương.
Tại Yên Bái, tính đến sáng ngày 12/9, bên cạnh thiệt hại về người (44 người chết và mất tích) thì toàn tỉnh có 22.886 nhà ở của Nhân dân bị ảnh hưởng; trong đó 128 nhà sập đổ hoàn toàn, 75 nhà hư hỏng nặng, 27 nhà di dời khẩn cấp; 21.451 nhà bị ngập nước...
Cơ sở hạ tầng của tỉnh cũng bị thiệt hại nặng nề. Toàn tỉnh có 434 công trình thủy lợi của bị hư hỏng; 19 trạm y tế bị ngập; sạt ta luy, đổ tường rào, nứt công trình tại 57 trường, điểm trường;... Ước tính thiệt khoảng 916 tỷ đồng.
Thời gian sửa chữa các tuyến đường giao thông bị hư hỏng có thể lên đến 1 năm. Trong thời gian tới, khoảng 1 tháng nếu trời nắng lên thì chúng tôi có thể thông được đường cho bà con đi lại”.
Ông Lê Văn Định
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Cao Bằng.
Cũng như Yên Bái, các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã chịu tổn thất nặng nề về cơ sở hạ tầng. Trong đó, hạ tầng giao thông ở nhiều tỉnh đã bị thiệt hại lớn.
Tại Cao Bằng, thông tin từ Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, ông Lê Văn Định, cho thấy, chỉ tính riêng các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh đã thiệt hại khoảng 80%.
Tất cả các tuyến đường cũ do tỉnh quản lý khoảng hơn 593 km tuyến quốc lộ, thì bị sạt lở khoảng 400 km phải sửa chữa lại; số lượng cọc tiêu bị hư hỏng khoảng 20%. Còn đối với hệ thống giao thông nông thôn, đường liên huyện, liên xã đang được thống kê.
Còn với Bắc Kạn, 15 tuyến đường tỉnh lộ bị sạt lở đất đá, khối lượng khoảng 190.000 m3; đường giao thông nông thôn bị sạt lở taluy dương 78 vị trí với khoảng 5.689 m3 đất, đá; sạt lở taluy âm khoảng 1.025m, 5 tràn bị tắc, ngập, 5 cầu bị hư hỏng. Nhiều điểm, tuyến đang tiếp tục sạt lở chưa ước tính được thiệt hại. Có 38 công trình thủy lợi bị sạt lở, vùi lấp...
Với những thống kê sơ bộ đó, có thể thấy, hiện dữ liệu về cơ sở hạ tầng ở các địa bàn thuộc phạm vi triển khai điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 đã thay đổi nhiều so với kết quả đã thu thập được từ ngày 01/7 đến 15/8 vừa qua. Vì vậy, việc cập nhật dữ liệu mới về thực trạng kinh tế - xã hội nói chung, dữ liệu về cơ sở hạ tầng nói riêng ở các địa bàn này là rất cấp thiết.
Bởi theo kế hoạch, dữ liệu cuộc Điều tra sẽ được chuyển về Tổng cục Thống kê vào cuối năm nay, sau đó bàn giao cho Ủy ban Dân tộc, chậm nhất vào tháng 7/2025. Dữ liệu điều tra này là căn cứ quan trọng để hoạch định chính sách đầu tư phát triển vùng DTTS và miền núi trong giai đoạn 2026 - 2030.