Sáng 13/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) năm 2017 với chủ đề “Tăng năng suất, đòn bẩy của tăng trưởng bền vững”.
Đánh giá cao chủ đề này mang tính thực tiễn cao, các đại biểu đưa ra những ý kiến thảo luận chất lượng, Thủ tướng cho biết sẽ không để lãng phí trí tuệ, chất xám của các đại biểu. Theo đó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát hành kỷ yếu tất cả các bài phát biểu để nghiên cứu, vận dụng vào thực thực tiễn Việt Nam.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn. |
Chủ đề “Tăng năng suất, đòn bẩy của tăng trưởng bền vững” của Diễn đàn Phát triển năm nay được được cho là góc tiếp cận rất thực tế và rất thời sự với Việt Nam hiện nay, khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam liên tục giảm. Báo cáo tại Diễn đàn cho thấy, giai đoạn 1990 – 2000, tăng trưởng bình quân là 7,3%; giai đoạn 2001-2010 giảm còn 6,7%, và giai đoạn 2011-2016 thì chỉ tăng bình quân dưới 6%.
Các chuyên gia cho rằng, suốt thời gian vừa qua, Việt Nam tăng trưởng chủ yếu dựa vào chiều rộng, tức dựa vào vốn, khai thác tài nguyên và thâm dụng lao động. Và do vậy, năng suất lao động tăng chậm đi chính là nguyên nhân làm tăng trưởng kinh tế chậm theo.
Ông Rajah Rasiah, cố vấn cao cấp UNDP tại Việt Nam, cho rằng, để Việt Nam không rơi vào tình trạng suy giảm năng suất, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của ngay các nước trong khu vực. Kinh nghiệm của Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore cho thấy, “sáng tạo” là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng, và các nền kinh tế này tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tích lũy vốn, phát triển nguồn nhân lực con người, định hướng xuất khẩu.
Chính vì vậy, điều Việt Nam có thể học hỏi là tập trung vào phát triển con người thông qua tăng cường giáo dục về khoa học, công nghệ; tăng cường giáo dục kỹ thuật và đào tạo tay nghề; thu hút tài năng, kinh nghiệm từ người Việt ở nước ngoài và nước ngoài. Song song với đó là tăng tài trợ cho đổi mới sáng tạo, trong đó có lãi suất ưu đãi cho hoạt động đổi mới sáng tạo; tài trợ hoặc có các chính sách tài chính thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Cũng giống như tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017 diễn ra hôm qua, các diễn giả một lần nữa nhấn mạnh đến việc liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI, bằng cách trở thành một “mắt xích” trong khâu sản xuất, kinh doanh. Cùng với hội nhập sâu rộng, tham gia các hiệp định thương mại thì cần nhanh chóng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng cao ra thế giới.
Chia sẻ quan điểm với các đại biểu tại diễn đàn, Thủ tướng cũng thẳng thắn cho rằng, nền kinh tế Việt Nam còn nhiều hạn chế yếu kém. Trong đó, chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, năng suất lao động chưa cao. Tăng trưởng ở Việt Nam vẫn chủ yếu theo chiều rộng, trên cơ sở gia tăng các yếu tố đầu vào, như tăng cường bổ sung vốn và sử dụng nhiều lao động giản đơn, trong khi việc đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ của công nhân (gọi chung là các nhân tố tổng hợp TFP), còn rất hạn chế.
Theo Thủ tướng, ông Nguyễn Chí Dũng có nói về TFP, nhưng có thể nói đây chính là một điểm nghẽn của Việt Nam trong trung và dài hạn. Do vậy, việc VDF 2017 lựa chọn chủ đề Tăng năng suất, đòn bẩy cho sự phát triển bền vững thể hiện sự đồng nhịp về tư duy, về quan điểm của Chính phủ và các đối tác phát triển của Việt Nam.
|
Toàn cảnh Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) năm 2017. |
Thủ tướng cho biết, nhận thức rõ vấn đề tăng năng suất đang có vai trò ngày càng quyết định đối với tăng GDP của Việt Nam, báo cáo của Chính phủ ra Quốc hội năm 2018 đã lấy chủ đề là “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp”. Dù việc nâng cao năng suất đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam, nhưng Thủ tướng cho rằng, vẫn có cơ hội để thực hiện điều này.
Trên thực tế Việt Nam có nhiều tiềm năng, dư địa và cơ hội để gia tăng tốc độ tăng năng suất. Trước hết là phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất của từng doanh nghiệp, từng nội ngành kinh tế. Bên cạnh nỗ lực, phát huy sức sáng tạo của chính mình, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ và tham vấn của các đối tác phát triển, của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm ra các giải pháp, các chính sách phù hợp trong bối cảnh khoa học công nghệ tiến bộ vượt bậc, cách mạng công nghiệp 4.0 lan tỏa nhanh chóng, tiến trình mở cửa hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh vến việc cải thiện năng suất không chỉ là nâng cao năng suất của người lao động mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, năng suất vốn. Và quan trọng nhất là phải nâng cao được năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP).
Nhất trí với các đại biểu về việc cải thiện năng suất chính là nền tảng của nâng cao năng lực cạnh tranh của mọi quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa, Thủ tướng nêu ra một số nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, để nâng cao năng suất vốn, hiệu quả sử dụng nguồn lực, Việt Nam đang tiến hành cải cách mạnh mẽ hệ thống ngân hàng, các thị trường tài chính, theo hướng tăng quy mô, tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh.
“Các ngài nói rất đúng rằng Việt Nam cần phải quyết liệt cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, nơi nắm giữ một nguồn vốn lớn của nền kinh tế nhưng việc sử dụng vốn chưa đem lại hiệu quả tương xứng, nhiều bất cập nơi đây. Ngoài ra chúng tôi đang tiếp tục rà soát và hoàn thiện cơ chế sử dụng các nguồn tài nguyên, phân bổ vốn đầu tư công trên cơ sở nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế xã hội” – Thủ tướng nêu rõ.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, nguồn lực xã hội đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục và đào tạo nhằm cải thiện trình độ và kỹ năng lao động, giúp người lao động có thể phát triển sinh kế, làm chủ được sự nghiệp của bản thân, có động cơ làm việc tốt hơn, phát huy tối đa sức sáng tạo. Đây là vấn đề mà Thủ tướng cho rằng quan trọng và bao trùm. Vấn đề lớn khác Việt Nam rất quan tâm thực hiện theo lộ trình, đó là cải cách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp giữa tăng tiền lương và tăng năng suất lao động.
Với tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), Thủ tướng cho biết, đây là nhiệm vụ đang được Chính phủ quan tâm. Cụ thể là Chính phủ tăng cường đầu tư cho khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, kết nối thông minh. Bên cạnh đó là phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo của người dân, của doanh nghiệp, tranh thủ các cơ hội tạo ra từ cách mạng công nghiệp 4.0. Trên nền tảng nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp TFP, Việt Nam sẽ có cơ hội vươn lên, vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Để nâng cao năng suất thành công, Việt Nam đang chủ động hội nhập quốc tế, khai thác có hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA với EU và RCEP.
Đồng ý với các đại biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc quan trọng nhất là hành động ở mọi cấp, mọi ngành nhằm biến những ý tưởng, phát biểu, những chủ trương thành hành động ở mọi cấp, mọi ngành./.
Theo vov.vn