Những người giữ “hồn” cho buôn làng
Nói về những nghệ nhân luôn gắn bó và dành tình yêu cho những di sản văn hóa Ba Na trên vùng cao Vĩnh Thạnh, không thể không nhắc đến Yang Danh. Từ thời thơ ấu, những tập tục, văn hoá của đồng bào Ba Na đã ngấm vào ông như một phần máu thịt. Với lợi thế ông có phương pháp sư phạm, lại có kiến thức về văn hoá, tiếng nói, chữ viết của đồng bào Ba Na nên khi ông truyền đạt dễ hiểu, dễ nhớ.
Đặc biệt, ông dành nhiều thời gian để gặp gỡ các nghệ nhân sưu tầm tư liệu cổ biên soạn, ghi chép lại. Trong đó, nhiều áng thơ ca, phong tục của đồng bào đã được ông biên soạn, đóng quyển cẩn thận để làm tài liệu truyền dạy cho dân tộc mình. Dù đã lớn tuổi nhưng nghệ nhân Yang Danh vẫn ngày ngày đi dạy tiếng, chữ Ba Na (nhóm Ba Na K’riêm) và truyền dạy phong tục, văn hoá dân tộc Ba Na cho lớp trẻ.
Ở xã Vĩnh Sơn, nghệ nhân ưu tú Đinh Chương cũng được xem là người “giữ hồn” văn hóa truyền thống của buôn làng Ba Na. Hiện, ông nắm giữ rất nhiều bài bản trường ca, truyện cổ tích Ba Na. Đã ngoài tuổi 70 nhưng nghệ nhân Đinh Chương vẫn ngày ngày truyền dạy cồng chiêng, dân ca, cách đan đát, làm một số nhạc cụ bằng tre nứa cho các cháu tại làng K8 (xã Vĩnh Sơn). Nhờ ông mà K8 là làng duy nhất của huyện Vĩnh Thạnh có tới 3 đội cồng chiêng với 3 thế hệ thanh niên, thiếu niên và người cao tuổi luôn sẵn sàng trình diễn.
Say đắm với cồng chiêng và trăn trở với việc con em làng mình không hứng thú với nhạc cụ truyền thống này, 4 năm trước, không quản ngại khó khăn, nghệ nhân Đinh Kim (xã Vĩnh Thịnh) lặn lội đến từng nhà kêu gọi lớp trẻ học đánh cồng chiêng.
Ban đầu là nể người già, thương cái tha thiết của nghệ nhân Đinh Kim, về sau không ít người dần dần ham thích tiếng cồng tiếng chiêng. Nhờ đó, ở mỗi làng của xã Vĩnh Thịnh đều có đội cồng chiêng. Đặc biệt là làng M2 có đội cồng chiêng thường xuyên đi biểu diễn ở các sự kiện văn hóa, văn nghệ của huyện.
Khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống
Trường THPT Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh là một trong những đơn vị điển hình trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Trường thường xuyên mời các nghệ nhân tiêu biểu đến giảng dạy cho học sinh theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Đây cũng là cơ hội để các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy cho thanh thiếu niên, chọn lựa hạt nhân kế cận.
Nghệ nhân Yang Danh cho biết, từ năm 2015, Trường THPT Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh mời ông về truyền dạy cồng chiêng cho học sinh. Năm 2016, 2017 ông và nghệ nhân Hơ Gớt còn tiếp tục dạy cho học sinh tập múa và hát dân ca. Rất vui là các cháu có tinh thần học hỏi rất tốt. Hy vọng các cháu sẽ biết cách giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Ba Na ở Vĩnh Thạnh.
Để tạo không gian trình diễn nghệ thuật truyền thống, vào các ngày lễ lớn của đất nước, hay những dịp lễ, ngày hội truyền thống của làng, huyện Vĩnh Thạnh khuyến khích các xã, làng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Huyện đoàn Vĩnh Thạnh cũng đã thành lập các CLB thanh niên tham gia bảo tồn cồng chiêng. Nhờ đó, các nghệ nhân ở các làng có cơ hội tham gia biểu diễn cho con cháu có cơ hội học hỏi. Từ những hoạt động này đã khơi dậy trong thanh thiếu niên tình yêu đối với bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Hiện nay, ở Vĩnh Thạnh, cả 6 xã, 1 thị trấn có người Ba Na sinh sống, mỗi địa phương đều thành lập 1 CLB cồng chiêng do đoàn viên, thanh niên tổ chức, sinh hoạt. Cách bảo tồn này đang tạo sinh khí mới cho cồng chiêng Vĩnh Thạnh, hứa hẹn về một đội ngũ nghệ nhân trẻ và bên cạnh họ, là sự đồng hành tích cực từ các nghệ nhân trung niên, lớn tuổi ở làng. Như CLB cồng chiêng thanh niên làng K8-Vĩnh Sơn có vai trò chủ lực của nghệ nhân Đinh Chương; CLB làng M2-Vĩnh Thịnh có nghệ nhân Đinh Kim, CLB làng M6-Vĩnh Hòa có nghệ nhân Đinh Trung Thắng, Đinh Y Khoa, Đinh Beng…
Trong vai trò truyền dạy và quan trọng hơn cả là “truyền lửa”, các nghệ nhân lớn tuổi không chỉ hướng dẫn cặn kẽ “bếp núc” chuyện đánh cồng chiêng, từ cách đánh, các bài chiêng cơ bản, đặc trưng nhất của người Ba Na, kỹ thuật chỉnh chiêng… mà hơn hết là khơi thêm tình yêu văn hóa cổ truyền thống cho thế hệ trẻ.
THÀNH NHÂN