Không truy xuất nguồn gốc, khó biết giàu hay nghèoTừ năm 2016 đến nay, quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm ngoài tiêu chí về thu nhập thì còn được đo lường bằng các chỉ số thiếu hụt ở 5 lĩnh vực: y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin và môi trường, được quy thành thang điểm. Việc xác định hộ nghèo dựa trên kết quả chấm điểm tài sản của hộ gia đình. Đây là phương pháp nhận diện nhanh, dựa trên xác nhận trực quan của cán bộ đi điều tra.
Tuy nhiên, việc đánh giá tài sản lại không tính đến giá trị, nguồn gốc của tài sản, hơn nữa lại áp dụng chung cho tất cả các vùng, miền. Điều này đã dẫn đến những sai số lớn trong kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo hằng năm.
Ở một số gia đình nông thôn, khu vực miền núi, vấn đề lo cái ăn, cái mặc được xem là quan trọng nhất, nên đôi khi họ xem nhẹ các nhu cầu xã hội khác. Vì vậy, khi khảo sát theo chuẩn đa chiều, có gia đình có thu nhập ổn định, nhưng lại nghèo về phương diện khác, nên thuộc diện hộ nghèo. Trong khi đó, có những hộ thực sự nghèo về thu nhập, nhưng lại được xem là “nhà có điều kiện” khi trong nhà có ti vi, có xe máy…
Như trường hợp gia đình bà Đào Thị Vân, ở xã Bình Ninh (huyện Tam Bình, Vĩnh Long) là một dẫn chứng. Nhà có 2 công đất thì đã cầm cố, thu nhập của hai vợ chồng đều trông vào việc làm thuê làm mướn. Trong nhà có chiếc ti vi 14 inch cũ kỹ, chiếc tủ lạnh của người bạn cho và chiếc xe máy “cà tàng” 2,2 triệu đồng. Nhưng do không tính đến giá trị, nguồn gốc nên những tài sản này đã gián tiếp đưa vợ chồng ông bà thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã từ năm 2016 đến nay.
Là hàng xóm của gia đình bà Vân, hộ chị Bùi Thị Mộng Thu, nhờ chí thú làm ăn, biết tranh thủ lúc nông nhàn để đan đát, kết hợp với nghề mua bán dừa nên thu nhập khá ổn định. Nhưng do tâm lý không thích mua sắm, lại dành hết thời gian để kiếm tiền nên trong nhà chị không có “của nả” gì, không ti vi cũng chẳng tủ lạnh. Vì thiếu hụt này nên chị Thu được xét công nhận hộ nghèo.
Từ dẫn chứng này có thể thấy, việc “truy xuất” nguồn gốc, giá trị của tài sản cũng như nắm bắt nhu cầu sử dụng tài sản trong quá trình đánh giá hộ nghèo là một bất cập rất lớn. Từ chiếc xe máy, ti vi,… rất khó để định lượng được gia đình đó thực sự nghèo hay không nghèo.
Đó là chưa kể, theo Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, theo phiếu B, phụ lục số 3b, chỉ tiêu hộ có ô tô sẽ được chấm 50 điểm, hộ có xe máy sẽ được chấm 20 điểm. Không cần đánh giá cũng biết, hộ có ô tô chắc chắn sẽ không nghèo. Còn hộ có xe máy chưa hẳn đã khá giả.
Dễ phát sinh tiêu cựcViệc đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo dựa trên nhận dạng nhanh về tài sản nêu trên chưa phải là khâu cuối cùng trong điều tra rà soát. Kết quả điều tra còn được sàng lọc thêm một lần nữa bằng 17 đầu mục, 61 tiểu mục theo phụ lục 3b-phiếu B. Nhưng cũng như việc nhận dạng nhanh, việc sàng lọc lần thứ hai để chấm điểm cũng còn nhiều bất cập khi tiêu chí đánh giá vẫn còn chung chung, áp dụng cho tất cả mọi địa bàn, đối tượng.
Dễ nhận thấy nhất là tiêu chí về diện tích nhà ở. Theo hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và xã hội, diện tích từ 20-<30m2/đầu người được chấm 10 điểm; từ 30-<40m2/đầu người được chấm 15 điểm; >=40m2/đầu người được chấm 35 điểm.
Với cách tính này, gia đình nào có diện tích nhà ở/đầu người càng cao thì càng thể hiện gia đình đó ít khó khăn hơn. Nhưng thực tế không phải vậy. Chẳng hạn, cùng là nông thôn miền núi, nhưng vị trí đất khác nhau, mục đích sử dụng đất và giá trị sử dụng khác nhau, dẫn đến thu nhập khác nhau.
Trong trường hợp hộ gia đình có vị trí ở mặt đường trung tâm xã, thôn, xóm, thì chỉ cần dưới 20m2/đầu người vẫn có thể làm ăn buôn bán được, chưa chắc đã là hộ nghèo; trong khi dù có 30m2/đầu người (thậm chí nhiều hơn) ở vị trí chân núi hoặc trên núi thì vẫn có thể là hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Một vấn đề cũng đáng lưu ý là, bộ công cụ bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo về hình thức là “cụ thể đến từng chi tiết” nhưng thực chất lại thiếu rõ ràng, chung chung. Điều này dẫn tới những tiêu cực trong việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo ở cơ sở. Đó là tình trạng lợi dụng để tạo lợi ích nhóm, ưu ái cho người quen, người thân “được làm hộ nghèo” nhằm hưởng lợi chính sách của Nhà nước về hỗ trợ xóa đói giảm nghèo.
Tiêu cực trong bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm là một trong những biểu hiện của tình trạng “tham nhũng chính sách” đã từng xảy ra ở nhiều địa phương. Đã từng xảy ra rất nhiều câu chuyện bi hài và khuất tất trong việc lãnh đạo thôn, hay người có chức quyền, có ảnh hưởng trong dòng tộc can thiệp làm thay đổi kết quả bỏ phiếu để người nhà mình, người thân quen của mình được “làm hộ nghèo”.
Như vậy có thể thấy, dù quy định, hướng dẫn rất chặt chẽ, cụ thể, nhưng nếu việc xác định các tiêu chí đánh giá chưa thật sự khoa học, hợp lý thì kết quả rà soát hộ nghèo vẫn luôn có sai số lớn. Hơn nữa, với tâm lý “trông chờ, ỷ lại”, tâm lý không muốn thoát nghèo của một bộ phận hộ nghèo, tâm lý giành phần có lợi về cho bản thân, cho gia đình, người thân, dòng họ của một số cán bộ cơ sở vẫn còn khá nặng nề thì công tác xóa đói giảm nghèo vẫn khó mà thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.
SỸ HÀO