Lợi thế của người trẻ
Vừa tròn 45 tuổi đời, anh A Rênh, dân tộc Xơ Đăng, đã có 8 năm được bầu làm Người có uy tín của thôn Kon Jri Pen, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum; từ năm 2023 đến nay, anh đảm trách nhiệm vụ Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kon Jri Pen. Chừng đó cũng đã cho thấy uy tín của A Rênh đối với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và bà con thôn bản.
Anh A Rênh chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, nên thấu hiểu được những khó khăn của người dân. Để giúp bà con thì mình phải khá trước, nên tôi đã mạnh dạn chuyển đổi 5 ha đất trồng sắn sang trồng cao su. Đến nay đã có hơn 2ha cho thu hoạch. Kinh tế gia đình ổn định, tôi tập trung tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con tin, nghe theo”.
Nhờ vai trò “đầu tàu” của A Rênh, thôn Kon Jri Pen có 53 hộ, thì đã phát triển gần 50ha diện tích trồng cao su, gần 100 ha sắn và 7 ha lúa nước. Toàn thôn hiện còn 4 hộ nghèo và 11 hộ cận nghèo. Bà con trong thôn tự nguyện hiến đất làm đường, trường học, nhà rông, góp sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.
A Rênh là một trong những Người có uy tín thuộc “lớp trẻ” ở tỉnh Kon Tum. Theo ông Hà Hồng Duy, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 8.534 lượt người được bình xét, công nhận là Người có uy tín; trong đó, Người có uy tín trẻ tuổi ngày càng nhiều và đã phát huy được khả năng, trình độ của mình trong các phong trào thi đua tại cơ sở.
Cũng như tỉnh Kon Tum, đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên cả nước đã từng bước được “trẻ hóa”. Cùng với những “cây cao bóng cả” trong đồng bào DTTS, đội ngũ Người có uy tín trẻ tuổi đã phát huy vai trò của mình; đặc biệt là khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong việc tiếp nhận thông tin chính thống và chuyển tải đến với người dân.
Anh Lỷ Văn Thắng, dân tộc Dao, Phó Chủ tịch HĐND xã Quảng An, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh năm nay 36 tuổi nhưng đã có 7 năm được bầu làm Người có uy tín của thôn Tán Trúc Tùng, xã Quảng An. Phát huy lợi thế công nghệ số, anh Thắng đã tuyên truyền, vận động bà con trong thôn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu.
“Với lợi thế của tuổi trẻ, tôi thường xuyên lên mạng Internet tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Từ đó tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con làm theo. Trong công tác tuyên truyền, để đỡ mất thời gian, và để thông tin đến nhanh, cùng lúc với nhiều người, nhiều đối tượng, tôi tuyên truyền qua các nhóm trên Facebook, Zalo”, anh Thắng chia sẻ.
Trong bối cảnh công nghệ số, chuyển đổi số… những nhân tố trẻ là Người có uy tín đã và đang góp phần vào sự phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS.
Khẳng định niềm tin
Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, năm 2023, cả nước có 28.538 Người có uy tín trong đồng bào DTTS; đội ngũ Người có uy tín đang dần được “trẻ hóa”. Cụ thể: Người có uy tín dưới 30 tuổi là 86 người (0,3%); từ 30 đến dưới 40 tuổi là 1.167 người (4,09%); từ 40 đến dưới 50 tuổi là 3.034 người (10,63%); từ 50 đến dưới 60 tuổi là 6.560 người (22,97%); từ 60 đến dưới 70 tuổi là 10.685 người (34,44%); từ trên 70 tuổi là 7.006 người (24,55%).
Ông Lưu Xuân Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (Uỷ ban Dân tộc) cho biết: Trong những năm qua, đội ngũ Người có uy tín đã phát huy được vai trò của mình trong tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, có một số Người có uy tín trẻ tuổi họ đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và từ đó tuyên truyền, hướng dẫn để người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp.
Cũng thông qua đội ngũ Người có uy tín, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã thật sự đi vào lòng dân, giúp cho người dân tự thay đổi mình và tự mình vươn lên trong cuộc sống, khắc phục những khó khăn trở ngại và đạt được những thành tựu, giá trị đích thực trong cuộc sống.
Có thể thấy, trong vùng đồng bào DTTS, Người có uy tín có sức ảnh hưởng rất lớn tới nhiều yếu tố, lĩnh vực khác nhau. Họ thật sự là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền địa phương với Nhân dân, là “địa chỉ” để đồng bào các DTTS bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, là “điểm tựa” của cộng đồng dân cư.
Trong bối cảnh công nghệ số, chuyển đổi số… những nhân tố trẻ là Người có uy tín đã và đang góp phần vào sự phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS. Người có uy tín trẻ tuổi đã phát huy vai trò xung kích, tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới, thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng nên được người dân ủng hộ, làm theo. Bên cạnh đó, chính đồng bào cũng nhận thấy những điểm mạnh từ người trẻ nên đã tự tin trao cho người trẻ giữ vai trò, trọng trách là Người có uy tín trong đồng bào DTTS.