Trước thực trạng đó, bà con ngư dân, Tổ tự quản trên biển, Công an xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh cùng chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Tùng đã đấu tranh bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển.
Ông Nguyễn Quang Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh cho biết: Vĩnh Thái là xã bãi ngang của huyện Vĩnh Linh, có diện tích tự nhiên 1.450ha. Toàn xã gồm 7 thôn nằm trải dài dọc bờ biển với 949 hộ, 3.385 nhân khẩu.
Bao đời nay, người dân địa phương gắn bó với nghề biển. Nhờ bám biển mà đời sống nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều hộ ngư dân đã thoát được nghèo vươn lên làm giàu ngay trên chính quê hương mình.
Xác định được vai trò của biển đối với cuộc sống nên bà con ngư dân ở đây luôn có ý thức trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản từ biển không khai thác thuỷ sản theo kiểu tận diệt; tận tình giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn…
Ngư dân Hoàng Văn Tùng, xã Nghĩa Thái chia sẻ: Đối với ngư dân, biển là nguồn sống. Vì thế, để bảo vệ biển an toàn, ngư dân xã Vĩnh Thái đã thành lập các tổ tự quản, vừa đánh bắt, vừa tuần tra để ngăn chặn các tàu đánh bắt thủy hải sản theo kiểu tận diệt.
“Trường hợp nào ngoài chức năng nhiệm vụ của Tổ tự quản chúng tôi sẽ phối hợp báo với chính quyền địa phương, với Công an và Đồn Biên phòng Cửa Tùng giải quyết”, anh Tùng cho biết.
Theo anh Tùng thì với cách làm này, ngư dân xã Vĩnh Thái luôn có ý thức để bảo vệ biển.
Không chỉ bảo vệ bình yên cho biển, trong những chuyến tuần tra, ngư dân xã Vĩnh Thái cùng lực lượng chức năng còn giúp đỡ nhiều bạn thuyền gặp nạn.
Qua tìm hiểu, hiện nay xã bãi ngang Vĩnh Thái đã thành lập được 7 mô hình Tổ tự quản về an ninh trật tự với 37 thành viên; 4 mô hình Tổ tự quản bến bãi tàu thuyền với 20 thành viên; 4 mô hình Tổ tự quản an toàn trên biển với 320 thành viên.
Sau khi đi vào hoạt động, các Tổ tự quản đã nhanh chóng phát huy vai trò, hiệu quả. Hằng tháng, hằng quý, thành viên các Tổ tự quản an ninh trật tự, bến bãi tàu thuyền, an toàn trên biển ở xã Vĩnh Thái đều tổ chức họp theo đúng quy định.
Nhiều vấn đề thu hút sự quan tâm của ngư dân được thành viên trong Tổ đặt ra như: Tình trạng sử dụng chất nổ để đánh bắt; nạn trộm cắp lưới, ngư cụ; sự phối hợp giữa các địa phương trong cứu nạn, cứu hộ trên biển; việc huy động tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn vào mùa mưa bão…
Ông Nguyễn Văn Dưỡng, ngư dân thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái cho biết: “Từ ngày các Tổ tự quản ra đời, nhận thức của người dân ngày càng nâng lên. Ai cũng chung tay, góp sức để bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn và biển, đảo. Ngoài lao động sản xuất, đánh bắt hải sản, mỗi ngư dân xã Vĩnh Thái còn nêu cao trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Điều ghi nhận là từ khi ý thức bảo vệ biển của ngư dân biển Vĩnh Thái nói riêng và biển Quảng Trị nói chung được nâng lên thì nguồn lợi thủy sản ngày càng dồi dào, nhiều chuyến ra khơi của ngư dân đã đem về thu nhập hàng trăm triệu thậm chí hàng tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái, ông Nguyễn Quang Thọ, cái được của việc thành lập các Tổ tự quản trên biển là ngoài việc bảo vệ biển được an toàn còn mang tính nhân văn đó là vấn đề cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ nhau trong khó khăn... Để phát huy mô hình này, thời gian tới chính quyền xã sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Biển nhằm khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo…
Với cách làm của ngư dân, chính quyền và lực lượng chức năng ở xã Vĩnh Thái trong việc bảo vệ vùng biển, tin rằng nguồn lợi thủy sản của biển ở Quảng Trị ngày càng dồi dào, tàu thuyền ngư dân sẽ luôn đầy ắp tôm, cá sau những chuyến ra khơi.
MINH THỨ