Làm việc tại UBND xã Ia Dom, mỗi tháng vẫn nhận lương qua thẻ nhưng từ nhiều năm nay, số lần anh Chu Công Nghiệp sử dụng thẻ ngân hàng để rút tiền chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh Nghiệp cho biết, những năm trước, để có tiền mặt, anh phải chạy xe máy xuống huyện Ia Grai (Gia Lai) để rút tiền, rất bất tiện. Có những hôm, cần tiền gấp, anh chạy khắp làng vay mượn cũng chỉ được vài triệu tiền mặt.
“Hiện nay cùng với sự phát triển của công nghệ 4.0, đa số các giao dịch đều thực hiện bằng ứng dụng chuyển tiền Online. Tuy nhiên, các ứng dụng này đòi hỏi người dân phải có điện thoại thông minh, được kết nối với mạng Internet. Ứng dụng này phù hợp với những người trẻ nhanh nhẹn, đối với những người lớn tuổi thì khá khó khăn”, anh Nghiệp tâm sự.
Hay trường hợp của chị Phan Thị Mỹ Linh, hiện đang là giáo viên tiểu học điểm trường thôn 3, xã Ia Dom, cũng gặp nhiều khó khăn vì huyện không có cây ATM. Chị Linh tâm sự, việc trả lương qua thẻ rất tiện lợi, dễ kiểm soát được tiền, nhưng bất tiện vì không có cây rút tiền. Mỗi lần cần tiền, phải tìm đến những người thân quen chuyên đổi tiền “Online” thành tiền mặt, hay còn gọi là “cây ATM di động”. Người cần tiền chỉ việc chuyển khoản cho người đổi tiền, “cây ATM di động” sẽ đưa lại tiền mặt với mức phí 1.000 đồng/1 triệu đồng. Đây là cách đổi tiền phổ biến ở đây, được nhiều người ưa chuộng.
Chuyện rút tiền để chi tiêu đã khó, việc người dân muốn gửi tiền tiết kiệm hay vay vốn còn khó khăn hơn. Vợ chồng anh Hà Văn Giang ở thôn 3, xã Ia Dom làm công nhân cao su, có thu nhập tương đối cao, khoảng 30 triệu đồng/tháng, tất cả đều được trả bằng tiền mặt. Vì số tiền mặt hằng tháng vợ chồng anh Giang thu về tương đối nhiều, mà đặc thù của nghề công nhân cao su thường đi làm vào ban đêm, nên việc để tiền mặt ở nhà khiến vợ chồng anh rất bất an. Không riêng vợ chồng anh Giang, nhiều hộ gia đình công nhân cao su khác cũng mong muốn, có một chi nhánh ngân hàng mới và có cây ATM để người dân thực hiện các giao dịch tiện lợi.
Tương tự, anh Nguyễn Tuấn Toàn, hiện đang công tác tại huyện Ia H’drai cũng gặp không ít khó khăn, vì huyện chưa có chi nhánh ngân hàng nào khác ngoài Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các giao dịch như vay vốn, hay rút tiền với số lượng lớn. Anh Toàn cho biết, mỗi lần làm các thủ tục vay vốn, hay gửi tiết kiệm, anh đều phải chạy ra ngân hàng tại huyện Sa Thầy để giao dịch, đôi lúc hồ sơ bị trục trặc, thiếu sót phải chạy ngược về huyện Ia H’drai để lấy giấy tờ bổ sung, đi đi về về mất hết cả buổi, thậm chí mất cả ngày, rất bất tiện.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’drai cho biết: Hiện tại trên địa bàn huyện chỉ có 1 Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện chi trả các chế độ và vay vốn lãi suất ưu đãi cho người dân. Việc trên địa bàn huyện không có cây ATM và ngân hàng để thực hiện các giao dịch khác rất bất tiện với người dân. Nhu cầu của người dân ngày càng cao, nhiều cán bộ, công chức, viên chức muốn thực hiện các giao dịch phải xin nghỉ thứ Hai hoặc thứ Sáu để đến huyện Sa Thầy (vì quãng đường phải đến 80 km) làm việc, vì thứ Bảy, Chủ nhật ngân hàng đóng cửa. Nếu hồ sơ gặp vấn đề, mọi người phải đi đi về về rất mất công. Huyện rất mong muốn, có một trụ sở ngân hàng và cây ATM để người dân thuận tiện hơn trong các giao dịch. Hiện tại, để giải quyết nhu cầu giao dịch của người dân, mỗi tuần Ngân hàng Agribank sẽ cử người đến huyện làm việc 1 ngày.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Kon Tum đã có Văn bản số 822/UBND-KT ngày 5/4/2018 đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Agribank Việt Nam xem xét, sớm thành lập Phòng giao dịch Ngân hàng Agribank và lắp đặt các cây ATM tại huyện Ia H’drai./.