Lan tỏa giá trị sản phẩm OCOP
Ngay từ khi triển khai Chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” (Chương trình OCOP), huyện Quốc Oai đã tập trung rà soát các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế thuộc 6 nhóm ngành hàng: Thực phẩm, đồ uống, may mặc, du lịch, dược liệu, thủ công mỹ nghệ. Trên cơ sở đó, huyện xác định tập trung chủ yếu vào các nhóm lợi thế như: Thực phẩm và thủ công mỹ nghệ. Năm 2020, huyện Quốc Oai được TP. Hà Nội lựa chọn có điểm bán hàng sản phẩm OCOP tại cửa hàng thực phẩm sạch Phủ Quốc Oai, thị trấn Quốc Oai.
Ông Nguyễn Quang Thắm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết, việc đánh giá các sản phẩm được địa phương thực hiện trên cơ sở bảo đảm tính công bằng, khách quan, chính xác theo đúng các tiêu chí quy định tại Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn huyện đã có 48 sản phẩm của 17 chủ thể được cấp sao. Trong đó, có 33 sản phẩm được cấp 4 sao và 15 sản phẩm đạt 3 sao, chủ yếu là thực phẩm, đồ gỗ mỹ nghệ…
Là đơn vị được Thành phố chấm điểm sản phẩm OCOP đạt 4 sao, ông Hoàng Doãn Hòa, Chủ tịch Hội làng nghề Mộc ở thôn Yên Quán (xã Tân Phú) cho biết, nhờ được tham gia Chương trình OCOP, doanh thu của đơn vị đạt hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động trên địa bàn với mức thu nhập 6 - 7 triệu đồng/lao động. Các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình ông Hòa làm ra, bao gồm: Tranh tứ quý, hoành phi câu đối, bàn thờ ô sa, ngai thờ, cuốn thư, bàn ghế trường kỳ… đều đạt chất lượng cả về mỹ thuật và giá trị kinh tế; thu hút nhiều đơn đặt hàng của du khách.
Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm thịt lợn sinh học của Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, được nhiều siêu thị, cửa hàng trên địa bàn thành phố ký kết hợp đồng tiêu thụ.
Theo ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm, với mục tiêu tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, HTX luôn duy trì chăn nuôi lợn theo chuỗi khép kín từ khâu chọn con giống đến giết mổ, sơ chế, đóng gói. Hiện, mỗi tháng, HTX cung ứng cho thị trường 13 - 15 tấn thịt lợn sinh học và sản phẩm chế biến từ thịt lợn như xúc xích, giò chả; doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, đến thời điểm này, huyện đã có 48 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề được công nhận đạt chuẩn OCOP. Trong thời gian tới, huyện sẽ đầu tư làng nghề truyền thống có những sản phẩm tiềm năng như du lịch, đồ uống, thực phẩm, tiểu thủ công nghiệp… Đây là những sản phẩm tiêu biểu của huyện, hứa hẹn đạt chuẩn OCOP trong những năm tiếp theo.
Phấn đấu có thêm 30 sản phẩm OCOP
Với 17 chủ thể có sản phẩm được cấp sao, huyện Quốc Oai đang là một trong những địa phương dẫn đầu toàn TP. Hà Nội về số lượng chủ thể tham gia, được đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP. Nhằm tạo sức lan tỏa cho Chương trình OCOP, huyện Quốc Oai đã và đang xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025 theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được quy định năm 2019.
Đến hết tháng 6/2021, toàn huyện đã khảo sát, đánh giá được 70 sản phẩm của 52 chủ thể sản xuất. Từ kết quả khảo sát, UBND huyện Quốc Oai đã lựa chọn, tập trung phát triển 30 sản phẩm, đủ điều kiện để tham gia đánh giá, phân hạng, cấp sao OCOP trong năm 2021.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, trong nội dung kế hoạch, địa phương đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ dành cho các chủ thể. Trong đó, chú trọng tư vấn, tiếp cận nguồn vốn vay cho các chủ thể cải thiện quy trình sản xuất cũng như xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, nâng cao giá trị cho nông sản, hàng hóa. Đồng thời, tăng cường phát triển các liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP… qua đó, góp phần cải thiện đời sống cho người dân. Đây cũng là mục tiêu cốt lõi, xuyên suốt của Chương trình xây dựng Nông thôn mới của huyện ven đô.