Thuốc lá không chỉ gây tương tác bất lợi trong thời gian dùng thuốc chữa bệnh mà còn gây ra nhiều tác dụng bất lợi khác trong quá trình mang bệnh làm cho việc dùng thuốc sẽ khó đạt hiệu quả. Nicotin là một chất có trong thuốc lá, gây ra các tác dụng trái ngược nhau trên hệ thần kinh giao cảm.
Lúc đầu kích thích hạch phó giao cảm gây giãn mạch, hạ huyết áp, làm chậm nhịp tim nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Ngay sau đó lại kích thích hạch phó giao cảm và tuyến thượng thận làm tăng adrealin, gây co mạch, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, tăng tiết dịch vị, đồng thời làm giãn đồng tử, tăng nhu động ruột. Cuối cùng, với liều cao sẽ làm khó thở, suy và liệt hô hấp. Những tác động này sẽ ảnh hưởng đến nhiều thuốc điều trị.
Theo nhận định của ngành Y tế, khoảng 5 năm trở lại đây, số người mắc bệnh tăng huyết áp có xu hướng tăng nhanh. Tuy nhiên, tỷ lệ người mắc tăng huyết áp được phát hiện chỉ chiếm 26,5%. Đối với người bệnh, nicotine trong khói thuốc sẽ kích thích làm tăng nhịp tim và huyết áp. Trong phút đầu của quá trình hút thuốc, nhịp tim bắt đầu tăng lên (có thể tăng tới 30% trong 10 phút sau khi hút thuốc).
Điều đáng lo ngại hơn, hút thuốc lá còn làm giảm tác dụng điều trị tăng huyết áp. Cụ thể, hút thuốc sẽ kích thích gan sản xuất ra một loại men trong máu, làm hạn chế tác dụng của thuốc điều trị tăng huyết áp. Không những vậy, hút thuốc lâu ngày làm tụ mỡ bụng, tăng vòng eo, tăng mỡ máu ...
Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe và đạt hiệu quả cao trong điều trị, thì cùng với việc duy trì luyện tập thể dục, bệnh nhân tăng huyết áp cần có chế độ ăn uống khoa học và bỏ thói quen hút thuốc lá…