Báo cáo trước Quốc hội, trước cử tri và Nhân dân cả nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, phiên chất vấn và trả lời chất vấn là dịp để các thành viên Chính phủ nhìn nhận lại trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Thủ tướng đánh giá cao các đại biểu Quốc hội đã chất vấn sâu sắc, toàn diện nhiều vấn đề còn tồn tại. Khẳng định những kết quả đạt được toàn diện của nền kinh tế, tuy nhiên, theo Thủ tướng khó khăn thách thức phía trước không hề nhỏ, đặc biệt là công tác giảm nghèo. Thủ tướng kêu gọi toàn hệ thống chính trị cùng chung tay, đồng tâm, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cùng với đó, phải phát huy vai trò tích cực, chủ động của các địa phương để giải quyết những khó khăn, thách thức nội tại.
Tại phiên chất vấn, Thủ tướng đã trả lời chất vấn các đại biểu về nhiều vấn đề, như: giải ngân vốn đầu tư công; một số dự án trọng điểm quốc gia; phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long; nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước; tập trung tạo cơ hội cho loại hình kinh tế tư nhân; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường; đấu tranh phòng chống tham nhũng…
Trong xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng cho biết, các cấp, ngành cần đánh giá toàn diện để nhận biết được những hạn chế yếu kém, không được chủ quan, nóng vội để triển khai tốt hơn, hiệu quả, đảm bảo tính bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Chính phủ sẽ thực hiện công khai, minh bạch, công bằng các chương trình mục tiêu quốc gia. Thủ tướng cũng cho biết, sẽ giải quyết tình trạng xuống cấp về đạo đức, văn hóa. Chính phủ khuyến khích các hoạt động văn hóa lành mạnh. Rà soát lại các quan hệ xã hội liên quan đến văn hóa, kiên quyết xử lý các vi phạm…Chú trọng vấn đề an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ…
Về năng lực bộ máy hành chính, công vụ, Thủ tướng đánh giá, năng lực bộ máy hành chính và bộ máy cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát chức năng, nhiệm vụ, khắc phục trồng chéo trong triển khai công vụ; đẩy mạnh sắp xếp bộ máy; tiến hành tổng kết đánh giá nâng cao vai trò người đứng đầu.
Trong phiên chất vấn, Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến những đối tượng chính sách, đồng bào nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, miền núi. Thủ tướng khẳng định, nội hàm chính sách thời gian tới sẽ hướng tới đồng bào nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS để giảm khoảng cách phát triển, thực hiện công bằng xã hội… Tạo điều kiện về học hành, tiếp cận y tế, giáo dục cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS…
Về vấn đề đảm bảo cung cấp điện cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, miền núi, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có nỗ lực rất lớn, nhưng một số bản xa xôi vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Tới đây, Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực đảm bảo việc sử dụng điện lưới quốc gia cho các bản làng xa xôi, vùng khó khăn. “Chúng ta không chỉ quan tâm số lượng, mà phải quan tâm chất lượng điện, an toàn điện. Thủ tướng đề nghị nghị Quốc hội, các địa phương, các cấp, các ngành sử dụng tiết kiệm điện, để đảm bảo nguồn điện cho cả nước”.
Theo Thủ tướng, sẽ ưu tiên giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt ưu tiên, tạo mọi điều kiện cho người dân vùng nông thôn, miền núi. Tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức tự cường, tự lực vươn lên của người dân…
Thủ tướng khẳng định, đối với vùng DTTS, miền núi, nước ta đã có 118 chính sách cho vùng này. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng rất khó khăn. Tại kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội Tờ trình phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế –xã hội vùng DTTS và miền núi. Thủ tướng cho biết, Đề án sẽ giải quyết những khó khăn, thách thức ở vùng DTTS, miền núi hiện nay.