Vovinam chính thức xuất hiện lần đầu tiên ở SEA Games 2011, tại Jakarta, Indonesia, với 14 bộ huy chương và tạo được ấn tượng tốt về tính đẹp mắt của các bài quyền. 2 năm sau, môn võ mang thương hiệu Việt này tiếp tục xuất hiện ở kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 27, được tổ chức tại Myanmar, thậm chí được tăng số bộ huy chương lên đến 18. Mong muốn Vovinam sẽ trở thành môn thể thao quốc tế, nhưng rồi liên tiếp 3 kỳ SEA Games tiếp theo, Vovinam đều vắng mặt.
Bệnh thành tích
Tại kỳ SEA Games 2015 được tổ chức tại Singapore, từ đầu Ban Tổ chức đã muốn tổ chức một kỳ đại hội theo tiêu chuẩn Olympic, vì vậy Vovinam vắng mặt ở kỳ SEA Games đó. Đến SEA Games 2017, nước chủ nhà Malaysia không cho bộ môn Vovinam vào nội dung thi đấu, với lý do nơi đây chưa có bộ môn này. Nhưng ở SEA Games 2019, chủ nhà Philippines ban đầu đã đồng ý, nhưng phút chót gặp sự cố, rồi thay toàn bộ Ban Tổ chức, vì vậy Vovinam bị loại khỏi giải đấu.
Ông Nguyễn Bình Định - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Việt Nam cho biết, về chặng đường gian nan mà Vovinam phải đối mặt khi muốn hướng ra sân chơi quốc tế. Ông Định lý giải, phần lớn các nước đăng cai SEA Games đều có "bệnh thành tích" và thường chỉ quan tâm đến việc đội chủ nhà sẽ giành được bao nhiêu huy chương. Vì vậy, đối với môn thế mạnh của đối thủ mà chưa phải môn thể thao trong danh sách của Olympic, thì việc thêm vào môn thi đấu trong SEA Games là rất khó khăn.
"Chúng tôi thường nói vui rằng, nếu SEA Games tới mà càng giành ít huy chương thì càng... tốt. Vì các nước nếu giành được nhiều huy chương sẽ có thêm động lực phát triển Vovinam về lâu về dài. Nhưng nói thì nói vậy, chúng ta đâu thể chia chác huy chương một cách tiêu cực. Chúng tôi chỉ biết cố gắng hết sức để bảo đảm tính minh bạch, không thiên vị vận động viên chủ nhà trong kỳ SEA Games tới", ông Định chia sẻ.
Mục tiêu lâu dài
Vovinam gặp khó hơn những môn võ khu vực như Pencak silat, Kurash, đó là mức độ đặc thù rõ rệt. Như môn Kurash (xuất xứ từ vùng Trung Á) có nhiều kỹ thuật tương tự với Judo, vì vậy khi phát triển sang các quốc gia khác, người ta có thể tuyển chọn các vận động viên Judo không thành danh. Vovinam ngược lại, có đặc thù khá rõ rệt, nên khó lòng những vận động viên của bộ môn võ khác sử dụng được, nếu không qua luyện tập và am hiểu.
“Đặc điểm nhận diện thương hiệu của Vovinam là các đòn kẹp cổ đẹp mắt. Chúng tôi cũng luôn nghe điều tiếng về việc Vovinam là một môn võ thiếu tính thực chiến, chỉ để biểu diễn... Trong 10 năm trở lại đây, chúng tôi đã không ngừng cải thiện, cập nhật để Vovinam mang tính võ đài hơn", ông Định nói.
Điểm cộng lớn của Vovinam là tính hiện đại, "bắt sóng" nhanh với các xu hướng, phát triển phong trào rộng khắp trong giới học sinh - sinh viên và khả năng xã hội hóa.
Ở các giải đấu diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, Liên đoàn Vovinam đã giới thiệu hệ thống phần mềm chấm điểm để các trọng tài chấm điểm ngay trên điện thoại, đồng thời công khai minh bạch quá trình này cho người hâm mộ. Các giải đấu cũng thường xuyên được Livestream trên các trang mạng xã hội.
Từ SEA Games cho đến những phong trào thể thao học đường, nhiều năm qua Vovinam vẫn đang miệt mài đeo đuổi giấc mơ quốc tế bộ môn võ thuật của Việt Nam.
Ở SEA Games 31, môn Vovinam diễn ra từ ngày 18 - 22/5, tại nhà thi đấu huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Tại SEA Games 27 (Myanmar), môn Vovinam có đến 18 bộ huy chương. Nhưng ở kỳ SEA Games này, số lượng huy chương giảm chỉ còn 15 bộ, với 6 nội dung đấu đối kháng và 9 nội dung quyền.
Có 7 quốc gia tham dự môn Vovinam ở kỳ SEA Games này, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippines, Lào và Campuchia.
Vovinam hay Việt Võ Đạo là một môn võ thuật Việt Nam, được phát triển dựa trên môn Vật cổ truyền Việt Nam, kết hợp với những tinh hoa của các môn phái võ thuật Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Dựa trên nguyên lý Cương nhu phối triển, môn sinh Vovinam được tập luyện những đòn thế tay không, cùi chỏ, chân, gối cho đến các loại vũ khí như kiếm, đao, mã tấu, dao, côn, quạt. Ngoài ra, môn sinh còn được học cách đối phó với vũ khí bằng tay không, các lối phản đòn, khóa gỡ và các đòn vật.