Trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 693.005 ca nhiễm mới. Trong đó, Mỹ - nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 - ghi nhận số ca nhiễm mới là 42.223 ca và số ca tử vong mới là 303, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở nước này lên lần lượt là 32.403.503 ca và 581.061 ca. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở Mỹ đã ghi nhận một diễn biến tích cực khi mà bang New York - từng là tâm dịch của Mỹ, có số người nhập viện giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
Ấn Độ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai bởi đại dịch. Với số ca nhiễm mới cao kỷ lục 275.306 ca trong ngày 18/4, tổng số ca nhiễm ở Ấn Độ đã lên tới 15.057.767 ca, trong đó 178.793 ca tử vong Đây là mức cao chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu đại dịch ở nước này. Sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc khiến hệ thống y tế của Ấn Độ ở nhiều bang và thành phố đang phải chịu sức ép lớn.
Brazil trở thành quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 13.943.071 ca và số ca tử vong là 373.335. Riêng ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 42.937 ca nhiễm mới.
Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (42.837.900 ca). Với 37.415.750 ca mắc, Bắc Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là châu Á với 33.803.498 ca và Nam Mỹ với 23.393.584 ca. Châu Phi (4.467.578 ca) và châu Đại Dương (61.206 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Tại Bắc Mỹ, Mexico là quốc gia có số ca mắc COVID-19 đứng thứ hai (sau Mỹ - quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca mắc và tử vong). Hiện, Mexico ghi nhận 2.304.096 ca nhiễm, 212.228 ca tử vong.
Tại Nam Mỹ, sau Brazil, Argentina là nước chịu ảnh hưởng lớn thứ hai bởi đại dịch với 2.694.014 ca nhiễm, trong đó 59.228 ca đã tử vong.
Tại châu Phi, Nam Phi vẫn là quốc gia đứng đầu khu vực về số ca nhiễm với 1.566.769 ca, trong đó 53.736 ca đã tử vong.
Châu Đại Dương là khu vực bị ảnh hưởng ít nhất bởi đại dịch. Trong đó, Australia ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất với 29.513 ca, trong đó 910 ca đã tử vong.
Tại châu Âu, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp tại Đức. Trong ngày 18/4, Đức ghi nhận 13.123 ca mắc mới và 65 ca không qua khỏi. Trên toàn nước Đức, tỷ lệ lây nhiễm trong 7 ngày qua là 162,3 trên 100.000 dân. Tính từ đầu dịch đến nay, Đức có 3.151.030 ca mắc COVID-19 và 80.591 ca tử vong. Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Peter Altmaier cùng ngày cảnh báo lệnh giới nghiêm phòng dịch COVID-19 nên được áp dụng nhất quán trên phạm vi toàn quốc, nếu không Đức sẽ có thêm hàng chục nghìn ca tử vong vì căn bệnh này.
Pháp ngày 17/4 cho biết sẽ áp đặt lệnh cách ly 10 ngày đối với tất cả những người đến từ Argentina, Brazil, Chile và Nam Phi có liên quan tới các biến thể của virus SARS-CoV-2. Những người không thực hiện lệnh cách ly sẽ phải đối diện với các án phạt. Bên cạnh đó, các chuyến bay từ Brazil tới Pháp cũng sẽ tạm dừng ít nhất tới ngày 23/4, còn các chuyến bay từ 3 nước còn lại vẫn hoạt động bình thường. Các biện pháp mới cũng sẽ hạn chế những người Pháp và gia đình của họ cũng như những công dân quốc gia EU khác trở về từ các 4 nước trên. Hiện Pháp ghi nhận 5.289.526 ca mắc COVID-19, trong đó 100.733 ca tử vong.
Tại châu Á, hệ thống y tế của Thái Lan đang nỗ lực tránh nguy cơ quá tải, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng lên trong làn sóng thứ ba. Để ứng phó, Chính phủ Thái Lan đã ra lệnh cho các nhà chức trách cung cấp thêm 25.000 giường bệnh trên toàn quốc. Bộ Y tế nước này cũng đang xem xét cho phép bệnh nhân COVID-19 sống một mình tự điều trị nếu các cơ sở y tế quá tải. Tổng cục Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) đã yêu cầu các cơ quan vận tải hàng không ngừng khai thác các chuyến bay nội địa trong khung giờ từ 23h đêm hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Thái Lan ngày 18/4 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao nhất từ đầu dịch với 1.767 ca cùng 2 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 42.352 ca, trong đó 101 ca không qua khỏi.
Tại Campuchia, số ca mắc mới COVID-19 cũng đang tăng ở mức báo động, với 618 ca ghi nhận trong 24 giờ qua, tất cả đều do lây nhiễm cộng đồng. Tính đến thời điểm này, Campuchia có tổng cộng 6.389 ca mắc COVID-19, trong đó có 43 ca tử vong. Chính phủ Campuchia vừa thông báo sửa đổi Điều 3, làm rõ giới hạn về hoạt động kinh doanh và đi lại trong vùng dịch trong đợt phong tỏa ở thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao (tỉnh Kandal) từ ngày 15/4. Theo đó, các lò mổ gia súc, gia cầm, các nhà máy và đơn vị sản xuất lương thực, thực phẩm ở Phnom Penh và Ta Khmao có thể tiếp tục hoạt động bình thường trở lại để đảm bảo an ninh lương thực. Các công ty sản xuất trang thiết bị y tế, dung dịch rửa tay, cồn và máy thở cũng được miễn trừ các quy định của lệnh phong tỏa. Trong khi đó, người bán buôn, cửa hàng tạp hóa, siêu thị, cửa hàng bán gas và nhà hàng phục vụ mang đi được phép tiếp tục hoạt động với số nhân viên giới hạn. Chính quyền sẽ giám sát những hoạt động này để đảm bảo chỉ được cung cấp dịch vụ thiết yếu. Các dịch vụ viễn thông, bưu chính, tài chính và ngân hàng được hoạt động với số nhân viên tối thiểu. Giao hàng và đồ ăn tiếp tục phục vụ trong khu vực phong tỏa. Tổng Công ty Điện lực, Cảng tự trị Phnom Penh, Công ty cung cấp nước Phnom Penh và hoạt động thu gom rác thải vẫn diễn ra bình thường./.