Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 12/11, đã có 228.541.161 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 18.970.993 ca bệnh đang điều trị, có 18.893.918 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 77.075 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 223 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Sau gần hai năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra các biến chủng mới nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn, khiến số ca nhiễm mới vẫn không ngừng gia tăng.
Trong 24 giờ qua, với thêm 50.133 ca nhiễm mới, Đức là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Anh (42.408 ca) và Nga (40.759 ca). Trong khi đó, Nga là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 1.237 ca, sau đó là Ukraina (652 ca) và Mỹ (537 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy với 80.431.312 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 12/11, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong một ngày qua, châu lục này ghi nhận thêm 83.232 ca nhiễm mới và 1.202 ca đã tử vong do COVID-19. Trong ngày qua, 3 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 mới cao nhất tại châu Á là: Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận là 24.898; 8.162 và 7.539 ca; và 3 quốc gia có số trường hợp mới tử vong cao nhất là: Thổ Nhĩ Kỳ (197 ca); Ấn Độ (195 ca) và Philippines (142 ca).
Trong ngày qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 328.419 ca nhiễm và 3.911 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng số ca lên mức 67.379.253 ca nhiễm mới và 1.342.779 ca tử vong. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Đức, Anh và Nga có số ca nhiễm mới trong ngày qua nhiều nhất tại châu Âu khi có thêm lần lượt 50.133; 42.408 và 40.759 ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận. Cùng với đó, Nga là nước có số ca mới tử vong vì COVID-19 trong ngày qua cao nhất khu vực, với 1.237 ca, tiếp sau đó là Ukraina (652 ca) và Romania (303 ca).
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 57.214.200 ca, trong đó có 1.166.263 ca tử vong và 46.027.761 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, với 39.082 ca nhiễm COVID-19 mới, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực; tiếp sau là Mexico với 3.556 ca và CH Domenica với 1.119 ca nhiễm mới. Mỹ cũng đồng thời ghi nhận nhiều ca tử vong nhất trong ngày qua với 537 ca; sau đó là Mexico với 264 ca, Guatemala với 49 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 21.150 ca nhiễm và 245 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 38.625.080 ca và 1.174.298 ca tử vong. Trong ngày qua, Brazil là nước có số ca nhiễm nhiều nhất khu vực khi có thêm 13.216 ca nhiễm mới, sau đó là Chile với 2.733 ca, Colombia với 2.644 ca nhiễm mới. Ngoài ra, với 144 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất khu vực vì COVID-19; tiếp sau là Colombia với 40 ca và Argentina với 25 tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 12/11, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.625.631 ca, trong đó có 220.731 ca tử vong và 7.998.545 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 2.924.978 ca nhiễm và 89.452 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 356 ca nhiễm mới và 17 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 947.902 và 715.489 ca nhiễm bệnh cùng 14.734 và 25.298 ca tử vong do COVID-19.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 330.664 ca nhiễm (tăng 1.903 ca) và 3.906 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 7 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trong khu vực trên trang worldometers.info hiện là Australia với 1.579 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 185.651 ca, trong đó 1.863 ca tử vong (tăng 5 ca).
Trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng cao, nỗ lực nghiên cứu, phát triển và tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn liên tục được tăng cường trên phạm vi toàn thế giới.
Tạp chí y khoa có uy tín hàng đầu thế giới The Lancet ngày 11/11 đưa ra đánh giá Covaxin, vaccine chống COVID-19 đầu tiên được phát triển ở Ấn Độ, "có hiệu quả cao và chưa có biểu hiện đáng lo ngại về mặt an toàn". Báo cáo cho biết "các thử nghiệm cho thấy Covaxin có hiệu quả cao đối với bệnh nhân có triệu chứng COVID-19". Nó cũng "dung nạp tốt mà không có biểu hiện lo ngại về an toàn". Covaxin là sản phẩm của hãng dược Bharat Biotech đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận khẩn cấp vào tuần trước và đã được phép sử dụng ở 17 quốc gia. Cơ quan Y tế của Liên hợp quốc đã mô tả nó là "cực kỳ phù hợp với các nước có thu nhập thấp và trung bình, do yêu cầu bảo quản dễ dàng". Như vậy, Covaxin đã chính thức được WHO đưa vào danh sách các vaccine được phép sản xuất và sử dụng chống COVID-19, cùng với các vaccine do Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sinopharm và Sinovac sản xuất.
Trong khi đó, Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 11/11 cho biết lần đầu tiên phê duyệt việc triển khai tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) hai phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng chống lại coronavirus. EMA đã chấp thuận việc sử dụng phương pháp điều trị từ công ty dược phẩm Thụy Sĩ Roche, Ronapreve và từ công ty Hàn Quốc Celltrion, regdanvimab (Regkirona). Ronapreve và Regkirona là những loại thuốc kháng thể đơn dòng đầu tiên nhận được ý kiến tích cực về khả năng chống lại COVID-19. Ủy viên Y tế châu Âu Stella Kyriakides cho biết việc phê duyệt hai loại thuốc này là một "bước quan trọng" chống lại COVID-19 cùng với 4 loại vaccine mà EU đang sử dụng hiện nay./.