Còn về diễn biến cụ thể, số liệu thống kê trên worldometers.info vào sáng 11/11 cho thấy, hiện toàn thế giới có 228.155.400 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 18.853.169 ca bệnh đang điều trị thì có 18.776.151 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 77.018 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.
Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 67.049.402 trường hợp, trong đó có 1.338.793 ca tử vong và 59.747.122 ca được điều trị khỏi. Dịch COVID-19 đang có dấu hiệu “nóng lên” ở châu Âu khi nhiều nước ghi nhận tình trạng tăng vọt số ca mắc và tử vong. Trong 24 giờ qua, lục địa già có thêm 313.070 ca nhiễm mới COVID-19, đứng đầu thế giới.
Trong bối cảnh trên, ngày 10/11, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua hợp đồng thứ 8 với công ty dược phẩm Valneva để mua vaccine tiềm năng chống COVID-19. Hợp đồng này cho phép tất cả các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) mua gần 27 triệu liều vaccine phòng virus SARS-CoV-2 vào năm 2022. Loại vaccine mới được đánh giá là có khả năng ứng phó hiệu quả với các chủng mới và ước tính sẽ có khoảng 33 triệu liều được cung cấp cho các quốc gia EU vào năm 2023.
Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 11/11, hiện 51,2% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 7,34 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 28,14 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn diễn ra không đồng đều, khi số người được ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp chỉ được cải thiện khiêm tốn, hiện ở mức 4,2%.
Cũng trong ngày 10/11, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết trong vòng 2 tháng tới sẽ đưa ra quyết định về việc có phê duyệt vaccine của hãng Moderna cho trẻ từ 6-11 tuổi theo như đề xuất của hãng này hay không. Bên cạnh đó, EMA dự kiến sẽ đưa ra quyết định vào tháng 12 tới về cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer để tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 5-11.
Hiện Bắc Mỹ có 57.160.366 ca nhiễm bệnh, trong đó có 1.165.074 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 47.642.463 ca nhiễm và 779.942 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 11/11, Nam Mỹ có 38.601.702 ca nhiễm COVID-19, với 1.174.012 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 21.911.382 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Dù số ca mắc mới theo ngày đã có dấu hiệu thuyên giảm, song châu Á vẫn ghi nhận tổng số ca nhiễm COVID-19 ở mức cao, với 88.656 ca. Trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 88.656 ca mắc mới COVID-19. Cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới, các nước tại châu Á đang soạn thảo lộ trình chuyển từ chiến lược "Zero COVID-19" sang "thích ứng, sống chung an toàn với COVID-19".
Trong cuộc hội đàm diễn ra tại Phủ Tổng thống Indonesia ngày 10/1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã nhất trí thiết lập hành lang đi lại quốc tế giữa hai nước trong tương lai gần và giao các bộ trưởng liên quan phụ trách chương trình này. Theo đó, kế hoạch mở hành lang sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, bắt đầu từ các khu vực quan trọng như thủ đô của hai nước và đảo du lịch Bali. Trong giai đoạn đầu, mở hành lang đi lại hai chiều giữa Kuala Lumpur và Jakarta cũng như giữa Kuala Lumpur và Bali.
Tính đến sáng 11/11, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.620.551 trường hợp, trong đó có 220.611 ca tử vong và 7.968.241 ca bình phục.
Hiện châu Đại Dương có 328.874 ca nhiễm COVID-19, với 3.899 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 184.095 ca, tiếp theo sau là Fiji với 52.356 ca./.