Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 30,9 triệu ca mắc và gần 562.300 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 35.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Brazil, tổng cộng trên 12,5 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 312.200 trường hợp tử vong. Ngày 28/3, Brazil báo cáo hơn 44.300 trường hợp nhiễm mới.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận trên 68.200 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên hơn 12 triệu trường hợp. Đến nay, hơn 161.800 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính quyền Delhi vừa áp đặt biện pháp nghiêm ngặt hạn chế người dân tụ tập trong các đám cưới, trong khi chính quyền bang Maharashtra (miền Tây Ấn Độ) áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm.
Vào cuối tuần qua, Pháp mới bắt đầu tiêm cho người trên 70 tuổi khỏe mạnh. Đây là đối tượng tiếp theo sau các nhóm ưu tiên như người cao tuổi ở trong viện dưỡng lão, nhân viên y tế tuyến đầu hay là người có bệnh lý nền nguy cấp. Theo số liệu mới nhất, 15% người dân Pháp đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Tuần này, dự kiến Pháp sẽ tiêm thêm cho khoảng 2% người dân. Đến nay, tổng cộng hơn 4,5 triệu người đã mắc COVID-19 tại Pháp, bao gồm gần 94.600 trường hợp tử vong.
Nga hiện nay mới tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 cho khoảng gần 3% dân số. Tuy nhiên, Tổng thống Putin khẳng định, đến hết mùa hè năm nay, Nga sẽ có miễn dịch cộng đồng. Khoảng 50 - 70% người dân nước này sẽ phải có miễn dịch thì mới được gọi là đạt miễn dịch cộng đồng. Chính phủ Nga kỳ vọng, tới hết mùa hè sẽ có thể dỡ bỏ mọi hạn chế. Ngoài ra, trong ngày 28/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận, ông không có phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine do Nga sản xuất. Điện Kremlin không tiết lộ về loại vaccine đã tiêm cho Tổng thống Putin và khẳng định, cả 3 loại vaccine nội địa của Nga đều có hiệu quả tương đương nhau.
Nga hiện là điểm nóng dịch COVID-19 lớn thứ 5 thế giới sau Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Pháp với hơn 4,5 triệu ca mắc và trên 97.700 trường hợp thiệt mạng.
Hiện nay, ở Anh đã có gần một nửa dân số được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19. Chính phủ nước này đang chuẩn bị triển khai tiêm mũi 2, tạo miễn dịch cộng đồng. Bắt đầu từ tháng 4, những mũi vaccine Moderna đầu tiên sẽ được tiêm ở Anh. Đây là loại vaccine thứ 3 được Anh sử dụng, sau vaccine của AstraZeneca và Pfizer-BioNTech. EU hạn chế xuất khẩu vaccine sang Anh nhưng nước này vẫn tự tin có đủ vaccine tiêm mũi 2 cho người dân và khẳng định, sẽ không có chuyện tiêm 2 mũi từ 2 loại vaccine khác nhau.
Anh đang đứng sau Nga trên bản đồ dịch COVID-19 thế giới với trên 4,3 triệu người nhiễm bệnh và gần 126.500 ca tử vong.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Jens Spahn đã kêu gọi tiến hành "phong tỏa cứng" từ 10 - 14 ngày nhằm kiểm soát sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Ông Spahn cảnh báo, nếu số ca nhiễm bệnh tiếp tục gia tăng không kiểm soát, hệ thống y tế Đức có thể sẽ vượt quá sức chống chọi trong tháng 4 tới. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Spahn, Đức thực sự cần ít nhất từ 10 - 14 ngày ngừng mọi tiếp xúc và đi lại để có thể kiểm soát được tình trạng bùng phát đại dịch mạnh như hiện nay.
Hiện chỉ số lây nhiễm trung bình trong 7 ngày ở Đức đã lên mức cao nhất tính từ giữa tháng 1/2021. Theo các cơ quan y tế Đức, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm hơn 13.600 ca nhiễm mới và 64 ca tử vong, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên trên 2,7 triệu trường hợp, bao gồm hơn 76.400 bệnh nhân thiệt mạng. Tỷ lệ số ca mắc biến thể phát hiện ở Anh trong số các ca nhiễm mới ở Đức chiếm trên 71%.
Bộ Y tế Campuchia thông báo, ngày 28/3, nước này ghi nhận thêm 86 ca dương tính lây nhiễm trong cộng đồng tại 9/25 tỉnh, thành. Đáng chú ý, trong số này đã xuất hiện thêm tỉnh Kratie, một địa phương giáp với Việt Nam. Đây là địa phương thứ 15 trong tổng số 25 tỉnh, thành tại Campuchia xảy ra lây nhiễm COVID-19 liên quan đến "sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2".
Nguy cơ dịch xâm nhập qua đường biên giới vẫn cao khi 9 tỉnh của Campuchia giáp với Việt Nam, cả trên đất liền và trên biển, có ca nhiễm COVID-19. Đặc biệt tại khu vực cửa khẩu Chrey Thom thuộc tỉnh Kandal của Campuchia giáp với cửa khẩu Long Bình của tỉnh An Giang, chỉ trong hơn 10 ngày qua, đã có gần 300 người dương tính COVID-19 tại đây. Một địa phương khác là tỉnh Preah Sihanouk có đường biên giới trên biển giáp với tỉnh Kiên Giang của Việt Nam cũng đang là điểm nóng lây nhiễm dịch bệnh, trong ngày 27 - 28/3 đã có 200 ca. Theo Bộ Y tế Campuchia, tình trạng lây lan nhanh khó kiểm soát là do virus biến thể mới.
Để đáp ứng yêu cầu điều trị cho bệnh nhân COVID-19 liên tục gia tăng trong những ngày qua, Chính phủ Campuchia đã quyết định mua một bệnh viện tư nhân vừa mới xây dựng xong tại thủ đô Phnom Penh quy mô 500 giường bệnh với đầy đủ các trang thiết bị.
Ngày 28/3, Philippines ghi nhận 9.475 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp có trên 9.000 ca mắc mới. Tổng số ca mắc tại nước này hiện là gần 721.800 người, trong đó có 13.170 trường hợp tử vong. Tổng thống Rodrigo Duterte đã nhất trí áp đặt các biện pháp giãn cách ở mức cao nhất tại thủ đô Manila và các tỉnh lân cận. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 29/3 đến ngày 4/4.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tiếp tục cải thiện ở đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) khi vùng lãnh thổ này ngày thứ 2 liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Hong Kong cho biết, chỉ có một ca bệnh nhập cảnh được phát hiện trong 24 giờ qua. Số ca mắc COVID-19 tại Hong Kong hiện là 111,447 ca. Giới chức đặc khu hành chính Hong Kong kêu gọi công chúng không chủ quan, tiếp tục tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội trong kỳ nghỉ sắp tới và chủ động tiêm vaccine ngừa COVID-19.