Dự Hội thảo còn có: Bí thư thứ Nhất Đại sứ quán Lào Anousome Onsavata; các đại biểu đến từ Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Cục Dân vận - Bộ Quốc phòng, Cục AO2 - Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Học viện Dân tộc, Học viện Phụ nữ…
Vấn đề bồi dưỡng và chia sẻ kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và công chức Vương quốc Campuchia là một trong những nội dung quan trọng thực hiện các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong tình hình mới. Quan điểm của Nghị quyết 10/NQ-CP về chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ: “Tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa và thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách liên quan đến công tác dân tộc”.
Đề án “Bồi dưỡng và chia sẻ kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ Lào và Campuchia” trong Quyết định số 1657/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu cung cấp những hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa các dân tộc Việt Nam, tiếng Việt… cho cán bộ trong hệ thống chính trị hai nước. Từ đó giúp cán bộ nước bạn nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, chính sách dân tộc… để vận dụng vào thực tiễn công tác, nâng cao năng lực, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thông qua công tác bồi dưỡng kiến thức dân tộc, góp phần củng cố tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; tình hữu nghị hợp tác toàn diện với Vương quốc Campuchia.
Báo cáo tại Hội thảo cho thấy, lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị của hai nước Lào, Campuchia trong giai đoạn 2016 - 2023 đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo nguồn nhân lực quan trọng cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước Lào, Campuchia. Các bộ, ngành, địa phương đã đào tạo, bồi dưỡng cho nước bạn Lào trên 33.215 lượt cán bộ thuộc các ngành/lĩnh vực và Campuchia trên 11.621 lượt cán bộ các ngành/lĩnh vực; riêng Campuchia chủ yếu là lực lượng Công an và Thanh tra.
Đặc biệt thông qua Nghị định thư giữa hai Chính phủ, Việt Nam đã hỗ trợ đào tạo giúp Lào trên 12.000 nhân sự thuộc các trình độ, ngành nghề, cấp bậc quan trọng, cung cấp cho Lào đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia giỏi, chủ chốt trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ của hai nước đã được đào tạo, bồi dưỡng tại Việt Nam đã và đang có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhiều học viên sau khi học tập, bồi dưỡng tại Việt Nam, trở về nước công tác đã trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quan trọng từ Trung ương đến địa phương, góp phần giữ vững ổn định chính trị đất nước.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chia sẻ kiến thức nghiệp vụ, kiến thức công tác dân tộc cho lực lượng cán bộ, công chức, viên chức của nước bạn Lào, Campuchia vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục. Tại Hội thảo, các đại biểu đã phản ánh một số khó khăn trong bồi dưỡng và chia sẻ kiến thức dân tộc cho cán bộ Lào, Campuchia giai đoạn 2016 - 2023 như địa lý và không gian cách xa, mặt khác còn phụ thuộc vào quy định luật pháp quốc tế, do vậy, trong quá trình nghiên cứu, tổ chức thực hiện các khóa đào tạo, bồi dưỡng và chia sẻ kiến thức dân tộc cho đội ngũ cán bộ 2 nước gặp nhiều khó khăn trong phối kết hợp chiêu sinh cũng như các điều kiện phục vụ khác...
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu chia sẻ những bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả của công tác bồi dưỡng và chia sẻ kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ hai nước; góp ý dự thảo Đề án cần sửa đổi, bổ sung một số danh mục, làm rõ một số nội dung cụ thể về bồi dưỡng và chia sẻ kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ hai nước bạn Lào và Campuchia.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Thị Hà - Trưởng Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Đề án trân trọng cảm ơn, tiếp thu các ý kiến quý báu của các đại biểu, nhà khoa học. Thứ trưởng yêu cầu, về cấu trúc Đề án tiếp tục nghiên cứu, tham khảo thêm để làm rõ một số nội dung, sắp xếp khoa học các danh mục nhằm đưa nội dung Đề án sát hơn, thiết thực hơn, phù hợp với mong muốn đào tạo của nước bạn để trình Chính phủ đúng thời gian, bảo đảm chất lượng và tính khả thi. Xây dựng hiệu quả Đề án sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với Lào và Campuchia; bảo đảm ổn định an ninh, chính trị và sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.