Trong lịch sử, vùng đất cổ Hiệp Hòa có rất nhiều văn nhân, võ tướng thành danh; địa phương có nhiều Tiến sĩ nhất tỉnh Bắc Giang thời kỳ phong kiến. Đặc biệt, Hiệp Hòa còn tự hào về truyền thống yêu nước, cách mạng kiên cường, bất khuất; chiến địa, chiến lũy của quân dân nhà Lý chống giặc Tống ở thế kỷ thứ XI và là ATKII của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ nhiều nội dung xung quanh chiến thắng Như Nguyệt năm 1077; nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong trận chiến trên sông Như Nguyệt năm 1077; vị trí, vai trò, ý nghĩa và công lao của người dân huyện Hiệp Hòa đối với chiến thắng Như Nguyệt trong lịch sử chiến tranh chống quân xâm lược Tống thế kỷ XI; vai trò của các danh tướng nhà Lý tham gia chiến tuyến Như Nguyệt năm xưa...
Ngoài ra, nhiều tham luận tập trung phản ánh, trao đổi về kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử chiến thắng Như Nguyệt; những câu chuyện, địa danh và lễ hội gắn liền với chiến thắng Như Nguyệt trên vùng đất Mai Đình (Hiệp Hòa). Cùng đó, đề xuất giải pháp để liên kết hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang trong việc phát huy giá trị chiến thắng Như Nguyệt năm 1077 bên phòng tuyến sông Cầu…
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn đánh giá cao chất lượng các tham luận; đề nghị huyện Hiệp Hòa, cơ quan chuyên môn, các nhà nghiên cứu rà soát, có sự thống nhất về nhận định, những số liệu thống kê trong các tài liệu liên quan, làm cơ sở để tập trung hoàn thiện kỷ yếu hội thảo; Hiệp Hòa khẩn trương xây dựng kế hoạch, vận động xã hội hóa để tôn tạo các di tích tại xã Mai Đình, các khu vực diễn ra sự kiện chiến thắng Như Nguyệt; Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa giá trị chiến thắng, góp phần tạo tiền đề cho việc phát triển du lịch trên địa bàn...