Tối 5/5, chương trình nghệ thuật đặc biệt với tên gọi “Dưới lá cờ quyết thắng” đã được tổ chức tại khu vực sân hành lễ, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi D1, Tp. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Đây là chương trình nghệ thuật đặc sắc nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Chương trình nghệ thuật đặc biệt trên được tổ chức, phát sóng, truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam, kết nối 5 điểm cầu, gồm: Tp. Điện Biên Phủ, TP. Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum và điểm cầu TP. Hồ Chí Minh.
Tham dự tại 5 điểm cầu đều có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố lân cận nơi tổ chức điểm cầu; các đồng chí cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, cựu Công an nhân dân; dân công hỏa tuyến, các lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và kháng chiến chống thực dân Pháp, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, quân và Nhân dân các tỉnh, thành ở các điểm cầu...
Với thời lượng hơn 110 phút, cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả quay trở lại những năm tháng hào hùng của dân tộc, sống lại những ký ức không thể nào quên về chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Phần mở đầu, chương trình đã gây ấn tượng mạnh với các đại biểu và khán giả bằng hoạt cảnh hoành tráng bộ đội kéo pháo 105 mm. Cùng với đó, những cảnh trượt ngang, cảnh đoàn xe đạp thồ, cảnh đồng bào gùi muối cho bộ đội, bộ đội hành quân, kéo pháo nối tiếp nhau và điểm kết là các chiến sĩ phất lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” đã gây nhiều xúc động cho các đại biểu và khán giả.
Điểm cầu Hà Nội đại diện cho sự đóng góp của hậu phương miền Bắc với chiến trường Điện Biên Phủ. Chương trình khắc họa những hình ảnh về phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, về sự hy sinh thầm lặng của những người dân hậu phương trong việc chi viện cho chiến trường.
Bà Ngô Thị Ngọc Diệp (88 tuổi, trú tại Hà Nội), nguyên văn công Đại đoàn 308 quân Tiên phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những chia sẻ rất xúc động. Theo lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu và lời dặn dò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy chiến dịch, bà cùng các đồng động đoàn kết một lòng quyết chiến, quyết thắng, đóng góp công sức làm sao cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
"Ngay lúc này đây, tất cả những kỷ niệm lại ùa về trong tôi, tôi cảm thấy mình trẻ lại như 70 năm trước", bà Ngọc Diệp bày tỏ.
Một điều đặc biệt, tại điểm cầu Điện Biên, chương trình nghệ thuật được tổ chức trong khu vực sân hành lễ, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi D1, nơi mà cách đây 70 năm trước đã diễn ra trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trong đợt tấn công thứ 2 của chiến dịch. Từ nơi đây có thể quan sát được toàn bộ lòng chảo Điện Biên.
Tại đây, thực dân Pháp từng bố trí Tiểu đoàn 3, Trung đoàn Angiêri rất thiện chiến chiếm giữ. Sau 2 ngày tiến công và giằng co với địch với những trận đánh long trời lở đất, bộ đội ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Đồi D1 - 1 trong 49 cứ điểm, 3 phân khu trung tâm, 8 trung tâm đề kháng gồm 17 tiểu đoàn, 7 đại đội độc lập với tổng số 16.200 quân tinh nhuệ nhất của thực dân Pháp lúc bấy giờ.
Điểm cầu Điện Biên còn có sự góp mặt của các nhân chứng lịch sử, những người đã trực tiếp tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ, chia sẻ những ký ức và cảm xúc của mình về chiến thắng vĩ đại này.
Điểm cầu này có một cuộc hội ngộ đầy xúc động. Theo đó, hai con gái của liệt sĩ Nguyễn Thiện Thuật, một trong những chiến sĩ từng chiến đấu và hy sinh tại cứ điểm D1 Dominique 2 cũng có mặt trong chương trình. Bà Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Thị Kim đã có cơ hội gặp gỡ những cựu chiến binh cùng Đại đoàn 312 với cha mình là ông Nguyễn Hữu Chấp, ông Vũ Đình Ới, ông Bùi Kim Điều.
Món quà đặc biệt dành tặng cho hai con của liệt sĩ Nguyễn Thiện Thuật được ê-kíp chuẩn bị từ trước, đó là bức chân dung liệt sĩ được tạo bởi phương pháp tổng hợp hình ảnh của ông bà và các con. Chương trình mong muốn một phần nào đó thực hiện giấc mơ gặp lại cha của con gái, bởi bao năm qua, gia đình vẫn luôn nỗ lực tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Thiện Thuật nhưng vẫn không có kết quả.
Điểm cầu Thanh Hóa là nơi ghi dấu những chiến công của dân công hỏa tuyến, những người đã góp sức mình cung cấp lương thực, vũ khí cho chiến trường Điện Biên Phủ. Tại đây, chương trình tái hiện những hình ảnh về cuộc sống gian khổ, thiếu thốn của dân công hỏa tuyến, đồng thời ca ngợi tinh thần dũng cảm, hy sinh của họ trong việc góp phần vào chiến thắng chung của chiến dịch.
Tại điểm cầu này, đã có cuộc gặp gỡ và trò chuyện với cựu chiến binh Trần Khôi - nguyên Chính trị viên, Bí thư Chi bộ Đại đội xe thồ 101. Ông và các đồng đội đã xuất phát từ Thanh Hóa, vận chuyển lương thực tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Sau 70 năm, ký ức về chiến trường năm xưa vẫn được ông lưu giữ vẹn nguyên trong tâm trí. Ông còn lưu lại những kỷ vật chiến trường năm xưa của mình trong nhà như bảo vật quý giá.
Điện Biên và Tây Nguyên là hai vùng địa lý cách xa nhau hơn 1.000 km. Nhưng Bắc Tây Nguyên có vai trò gắn kết chiến lược cùng thắng lợi của Điện Biên Phủ trong chiến cuộc Đông - Xuân (1953 - 1954). Trong đó, Kon Tum đóng vai trò đặc biệt, chia lửa với Điện Biên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất mong đợi chiến dịch Bắc Tây Nguyên bắt đầu trong thời điểm chúng ta đang chuẩn bị kéo pháo ra để bố trí lại lực lượng theo phương châm "đánh chắc tiến chắc". Cùng lúc đó, quân Pháp đã tiến hành cuộc hành quân Át-Lăng lên vùng Liên khu 5. Và 3 trận công đồn nổ ra tại Kon Tum thắng lợi đã tạo nên tiếng vang lớn, làm quân Pháp phải tập trung sự chú ý lên Bắc Tây Nguyên. Đây là chiến dịch được đánh giá rất cao về nghệ thuật quân sự.
Xuyên suốt trong chương trình, các đại biểu, khán giả đã được thưởng thức những màn trống hội hào hùng, những bài thơ, ca khúc hoành tráng về chiến dịch Điện Biên Phủ, các thước phim phóng sự đặc sắc, xen lẫn là những cuộc trò chuyện xúc động cùng các nhân chứng lịch sử tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước.
Những tình cảm kính yêu, tự hào đối với Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bộ đội, lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ… của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, những ca khúc, chương trình nghệ thuật này được Ban Tổ chức dày công dàn dựng, tổ chức ghi hình ở các địa danh dịch sử như Đồi A1, C1, C2, hay ở những địa danh lịch sử tại Tây Nguyên, Thanh Hóa, Hà Nội, Kon Tum, TP. Hồ Chí Minh…
Quá trình quân và dân cả nước chuẩn bị cho chiến dịch, đặc biệt là cuộc chiến đấu anh hùng, kiên cường của quân và dân ta với “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cũng đã được tái hiện không chỉ qua lời thuật lại của các nhân chứng, mà còn được khắc tạc bằng những hình ảnh nghệ thuật đặc sắc.
Đại biểu và khán giả đã không kìm nén được niềm xúc động, khi trên bầu trời TP. Điện Biên Phủ có hàng nghìn thiết bị bay Drone đủ màu sắc xếp thành những hình ảnh của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ hay như hình ảnh chiến sĩ Điện Biên với lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát và lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc vẫn rực sáng trên bầu trời xuyên suốt từ đầu chương trình cho đến khi kết thúc buổi biểu diễn văn nghệ.
Cuối chương trình “Dưới lá cờ quyết thắng” là bài hát “Giai điệu Tổ quốc” của nhạc sĩ Trần Tiến được các ca sĩ ở cả 5 điểm cầu thể hiện. Lời bài hát thể hiện tình đoàn kết, ca ngợi sức mạnh, chiến thắng của quân và dân tộc Việt Nam, khát vọng của dân tộc Việt Nam, trong tiếng vỗ tay không ngớt của các đại biểu và Nhân dân ở 5 điểm cầu cũng như khán thính giả xem truyền hình cả nước…