Vượt khó khăn, vững niềm tin chiến thắng
Sinh ra và lớn lên tại Vùng Mỏ nhưng ông Vũ Công Hồng (SN 1936, nay trú tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), lại theo cha mẹ về Thanh Hoá tản cư, từ đó mà có cơ duyên tham gia đoàn xe đạp thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 2/1954, chàng thanh niên 17 tuổi - trẻ nhất trong đoàn quân xe đạp thồ của thị trấn Thanh Hoá lúc bấy giờ - sục sôi vượt hàng trăm km rừng núi qua Hòa Bình - Sơn La, vượt đèo Pha Đin đến ngã ba Tuần Giáo, tiến vào Điện Biên Phủ.
Bồi hồi nhớ lại những ngày tháng hào hùng đó, ông Hồng cho biết, mỗi ngày ông cùng đồng đội băng qua 3 con đèo dài 35km đưa 1,5 tạ hàng vào chiến trường. Không nghĩ bom đạn, không quản vất vả, ăn giữa rừng, ngủ trên những tấm nilon trải đất, ông và đồng đội thi đua từng giờ để đảm bảo tiếp tế cho bộ đội. Mặc dù không trực tiếp chiến đấu, nhưng mỗi khi nghe tin tức từ mặt trận báo về, ông và đồng đội luôn ngóng đợi ngày chiến thắng và "tin tưởng chắc chắn là mình sẽ thắng".
“Chiều 7/5/1954, một thanh niên đi ngựa, tay cầm lá cờ nho nhỏ từ trong Điện Biên đi ra dọc đường về Lai Châu. Ông ấy nói nhiều nên khản tiếng rồi, nhưng chúng tôi vẫn nghe rõ câu “Thắng lợi rồi, chiến thắng rồi”. Dân công nghe thế là hiểu rồi, đoàn người cứ thế cùng hô vang”, ông Hồng kể.
Hơn 3 tháng phục vụ mặt trận, những thanh niên làm nhiệm vụ vận tải như ông Hồng mới chính thức bước vào “lòng chảo” Điện Biên – nơi chiến trường vẫn đang ngổn ngang. Ông kể, nếu như cảm xúc khi nghe tin chiến thắng là vỡ oà trong vui sướng, thì những khoảnh khắc tiếp theo lại khiến ông rộn ràng, náo nức.
70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, dù những dấu vết thời gian đã in hằn lên làn da, mái tóc, dù đều đã ở cái tuổi nhớ nhớ, quên quên nhưng những kỉ niệm về chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 mãi luôn là những ký ức đẹp trong cuộc đời những người dân công hỏa tuyến năm xưa. Những ký ức ấy là minh chứng về một thời hào hùng, để nhắc nhở lòng biết ơn và bài học cách mạng cho thế hệ trẻ.
Ông Hồng nhớ lắm đêm đầu tiên giải phóng, "có chiếu bộ phim Liên hoan thanh niên sinh viên ở Budapest (Hungary) lần thứ 3. Vũ khí đã tịch thu, nhưng lính địch còn ở lại, đêm hôm ấy xem phim chung với nhau. Cùng nhau xem 1 bộ phim đặc biệt như thế nên chúng tôi vui lắm, thích lắm”.
Sau chiến thắng, ông Vũ Công Hồng ở lại Điện Biên Phủ phục vụ các hoạt động của bộ đội ta đến tận ngày 29/5/1954, rồi mới trở về vùng Mỏ công tác qua một số cơ quan của ngành than và thống kê.
70 năm qua, kỷ vật mà ông luôn gìn giữ cẩn thận nhất là tờ chứng nhận “Chiến sĩ dân công vẻ vang mặt trận Điện Biên Phủ” do Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trao tặng. Đây là chứng nhận cho những ngày không thể nào quên của ông.
Nhớ mãi lời dạy của Bác Hồ
“Tôi nhớ lúc ấy chỉ có 15 tuổi, được nghe Bác Hồ dạy là tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình nên tham gia kháng chiến. Thời gian được góp sức mình cùng Nhân dân cả nước giành lấy độc lập tự do là kỷ niệm đáng nhớ nhất của cả đời tôi”. Những lời tâm sự với biết bao niềm tự hào ấy là của ông Lường Văn Sinh, trú tại bản Cọ, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La).
Ông Sinh tâm sự, khi đó ông là thanh niên trẻ nhất trong số 24 thanh niên của xã Tông Cọ tham gia vận chuyển lương thực cho bộ đội. Tinh thần của những người trẻ như ông năm đó không có gì đo đếm được.
Với ông Sinh, mọi khó khăn đều biến thành quyết tâm, là sức mạnh để huớng tới mục tiêu cao nhất là giành độc lập dân tộc. “Tôi nhỏ nhất, nhưng tôi quyết tâm phải đi, phải làm, giống như bao nhiêu người Việt Nam khác xông lên để giải phóng đất nước”, ông Sinh nói.
Để có được chiến thắng chấn động địa cầu vào ngày 7/5/1954, riêng huyện Thuận Châu (Sơn La) đã có hàng nghìn lượt thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; hầu hết bản nào, xã nào cũng có người tham gia. Họ tham gia bằng lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, trách nhiệm với Tổ quốc.
Ông Lường Văn Hương, trú tại bản Lạnh, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu nay cũng đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, nhưng những câu chuyện về một thời tham gia làm dân công hỏa tuyến cho chiến dịch Điện Biên Phủ gian khổ 70 năm trước, vẫn được ông kể lại một cách rành mạch.
Năm đó, ông Hương cũng mới 20 tuổi, cái tuổi sung sức nhất của tuổi trẻ, ông đã cùng hơn 20 thanh niên trong xã xung phong lên đường, tham gia thực hiện nhiệm vụ sửa đường cho bộ đội tại đèo Pha Đin và làm nhiệm vụ gánh gạo chuyển lương thực lên Mường Ẳng.
“Lúc chiến dịch Điện Biên Phủ sắp bắt đầu, huyện – xã triệu tập đi làm dân công hỏa tuyến. Hồi đấy có lúc được đi đêm, lúc đi ban ngày. Có chỗ nào máy bay bắn phá cũng đi san lấp hố bom, lấy cây lấy cối lấy cọc cắm, san đất vào. Nhưng máy bay càng bắn thì càng phải đi tiếp”, ông Hương kể.
Khó khăn nhất với ông Hương và đồng đội khi đó là những đoạn đường bị bom đánh phá, phải sửa chữa bằng các dụng cụ thô sơ vô cùng vất vả. Hơn nữa nhiệm vụ đều phải thực hiện vào ban đêm để tránh địch phát hiện, song ông Hương cùng đồng đội vẫn luôn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, dù những dấu vết thời gian đã in hằn lên làn da, mái tóc, dù đều đã ở cái tuổi nhớ nhớ, quên quên..., nhưng những kỉ niệm về chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 mãi luôn là những ký ức đẹp trong cuộc đời những người dân công hỏa tuyến năm xưa.
Những ký ức ấy là minh chứng về một thời hào hùng, để nhắc nhở lòng biết ơn và bài học cách mạng cho lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay.