Đại diện lãnh đạo MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội; lãnh đạo Phòng Dân vận Bộ Tư lệnh QK9, QK7; Thường trực Tỉnh ủy, Thành uỷ, Ban Dân vận các tỉnh, thành phía Nam tham dự Hội nghị. Ông Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) đồng chủ trì Hội nghị quán triệt.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được thông tin, quán triệt những nội dung một số văn bản mới của Đảng. Đặc biệt, Hội nghị dành nhiều thời gian để nắm bắt tinh thần Chỉ thị 19-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về “Tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới”.
Theo đó, tại Hội nghị, ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT đã thông tin, đánh giá lại kết quả, những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện Chỉ thị số 68-CT/TW (sau đây gọi là Chỉ thị 68) về công tác ở vùng đồng bào Khmer.
Thứ trưởng Lê Sơn Hải nhấn mạnh, 25 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách toàn diện ngày càng phù hợp với yêu cầu ổn định và phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ. Đặc biệt, Chỉ thị 68 ra đời ngày 18/04/1991, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn khu vực, đáp ứng được lòng mong muốn của cán bộ, sư sãi và đồng bào Khmer Nam bộ. Qua đó, đã tạo chuyển biến tích cực về kinh tế-xã hội, ổn định về an ninh, quốc phòng trong vùng.
Thay mặt Ban Dân dận Trung ương, ông Hà Ngọc Anh, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương cũng đã phát biểu, tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ thị 68 đang có sức lan toả, đi vào cuộc sống làm thay đổi toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT cùng chỉ rõ, công tác ở vùng đồng bào Khmer còn những hạn chế nhất định; nhất là một số chế độ, chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer còn bất cập, chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi. Đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc Khmer còn nhiều khó khăn; vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao; tái mù chữ có chiều hướng gia tăng. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý là người Khmer vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
“Để tiếp tục giải quyết những tồn tại, hạn chế này, ngày 10/1/2018 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới. Chỉ thị đã nêu rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm, và yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân cần nghiêm túc triển khai thực hiện”, ông Hà Ngọc Anh nhấn mạnh.
HẠNH NGUYÊN