Như đã nội dung thông tin, bài báo “Thanh Chương (Nghệ An): Trại lợn không phép “bức tử” hồ đập” phản ánh: Trên địa bàn xã Thanh Mai (nay là xã Mai Giang) có nhiều trại lợn không phép đang hoạt động chăn nuôi. Đáng chú ý, có cả trại lợn được xây dựng trên thân đập đe dọa đến sự an toàn của vùng hạ lưu trong mùa mưa bão. Đặc biệt, phần lớn các trại nuôi lợn nói trên đều không có hoặc có nhưng chưa đảm bảo các biện pháp xử lý môi trường. Hầu hết các trại lợn đều được xây dựng quang các hồ đập, đầu nguồn khe suối…,ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn nước..
Nắm bắt thông tin từ Báo Dân tộc và Phát triển nêu, ngày 17/01/2025, UBND huyện Thanh Chương đã ra văn bản số 195/UBND-NN (về việc xử lý vấn đề báo nêu). Theo đó, UBND huyện Thanh Chương đã giao cho UBND xã Mai Giang, Công ty TNHH Thủy lợi Thanh Chương tổ chức kiểm tra, xác minh, có giải pháp chỉ đạo khắc phục, xử lý dứt điểm đúng quy định; Báo cáo kết quả về UBND huyện trước ngày 25/01.
Về phía UBND xã Mai Giang, sau khi nhận được công văn của UBND huyện cũng đã có thành lập đoàn đi kiểm tra thực tế, hiện trạng. Kết quả bước đầu, UBND xã ghi nhận hiện trên địa bàn xã có 10 hộ chăn nuôi lợn có quy mô từ 100 đến 400 con. Phần lớn các hộ này đều xây dựng trên đất rừng, đất trồng cây lâu năm và đất vườn.
Chia sẻ với phóng viên Báo dân tộc và Phát triển, ông Hà Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Mai Giang, huyện Thanh Chương cho biết: “Báo đã phản ánh đúng thực tế, thực trạng về các trại lợn không phép gây ô nhiễm môi trường tại địa phương. Xã cũng đã cử cán bộ địa chính và cả Chủ tịch UBND xã đi kiểm tra. Thực hiện đúng công văn chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi sẽ xử lý dứt điểm”
Theo số liệu, danh sách mà UBND xã cung cấp, ngoài những hộ chăn nuôi mà phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển phản ánh trong bài báo “Thanh Chương (Nghệ An): Trại lợn không phép “bức tử” hồ đập”, thì phóng viên đã tiếp cận tìm hiểu thông tin thêm trong phạm vi cho phép với trang trại của hộ gia đình ông Trần Văn Tuấn, xóm Mai Trang. Đây là 1 trong 10 hộ nuôi có quy mô nuôi lợn lớn nhất xã (từ 100 - 400 con). Quy mô chuồng trại được xây dựng trên diện tích khoảng 600-700m2 , trên phần đất trồng rừng keo. Tất cả được bạt núi, xây dựng chuồng trại trên đầu nguồn nước.
Đáng chú ý, trong quá trình thu thập thông tin, phóng viên được người dân địa phương cho biết, trại của hộ ông Tuấn mới xây dựng năm 2023, ngoài việc gia đình ông Tuấn nuôi lợn, thì còn cho một gia đình khác thuê đất để xây dựng trại lợn. Đây là những con số khác xa so với số liệu mà UBND đã cung cấp cho phóng viên trước đó!
Tương tự, cách đó không xa, là trại lợn của hộ gia đình ông Lương Văn Hoàng, xóm Bắc Tràn, xã Mai Giang. Trại lợn được xây dựng ở vùng thượng nguồn suối tràn chảy về đập Cửa Ông. Đáng chú ý, trang trại này không nằm trong danh sách 10 trại lợn mà UBND xã cung cấp, tuy nhiên quy mô trại lợn của ông Hoàng cũng rất lớn. Kể từ ngày trại lợn ông Hoàng đi vào hoạt động, nước ở suối tràn đã đổi màu, người dân địa phương nghi ngờ do trại lợn xả thải trái phép!
Trao đổi với phóng viên Báo dân tộc về nội dung có nhiều trại lợn trên địa bàn xã xây dựng trên đất rừng, đất lâm nghiệp, đất vườn. Trong quá trình hoạt động chăn nuôi nhưng không có các biện pháp xử lý nước thải, bảo vệ môi trường…, ông Bùi Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Giang cho biết: Tình trạng nuôi lợn ô nhiễm đang gây bức xúc trong Nhân dân, UBND xã rất muốn UBND huyện có văn bản chỉ đạo yêu cầu thực hiện nghiêm để xã có cơ sở để thực hiện. Riêng đối với một số trang trại tự ý cơi nới, xã sẽ lập văn bản báo cáo sự việc lên UBND huyện, xã sẽ làm theo chỉ đạo của UBND huyện.
Trước thực trạng này, thiết nghĩ UBND huyện Thanh Chương cần có những giải pháp quyết liệt hơn để xử lý dứt điểm tình trạng này. Bên cạnh đó, cần làm rõ mốc thời gian các trại lợn xây dựng trái phép để làm rõ trách nhiệm cán bộ cấp xã qua các thời kỳ. Có làm được như vậy, thì tình trạng trại lợn trái phép ở xã Mai Giang, huyện Thanh Chương mới chấm dứt. Tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước mới được đảm bảo.