“Xẻ thịt” thân đập Đền Chè để xây trại lợn
Đập Đền Chè nằm ở thượng nguồn Khe Nái, xóm Trường Sơn, xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Đập có diện tích mặt nước khoảng 4h, phục vụ tưới tiêu cho gần 15ha lúa nước ở địa phương. Cùng với mục đích cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, đập Đền Chè còn có chức năng ngăn lũ, điều tiết nước cho vùng hạ du. Từ tháng 11/2024 trở về trước, đập Đền Chè được giao cho UBND xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương quản lý, vận hành.
Trong quá trình quản lý, UBND xã Thanh Mai đã cho gia đình ông Nguyễn Cảnh Tấn thuê. Hợp đồng thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản không số, ngày 31/12/2021 giữa UBND xã Thanh Mai với ông Nguyễn Cảnh Tấn có 8 Điều khoản. Trong đó, tại Điều 1 hợp đồng này ghi rõ, Mục đích sử dụng thuê đất: “Nuôi trồng thủy sản phát triển kinh tế”; Thời hạn hợp đồng là 5 năm, kể từ ngày 31/12/2021. Điều 2 hợp đồng này cũng quy định: “Giá thuê đất là: 3.000.000 đồng/năm (Ba triệu đồng/năm).
Tuy nhiên trên thực tế, gia đình ông Nguyễn Cảnh Tấn đã xây dựng chuồng trại để nuôi lợn ngay trên thân đập Đền Chè. Điều này là vi phạm nội dung hợp đồng thuê mặt nước đập Đền Chè để nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, việc đào bới, xây dựng chuồng trại ngay trên thân đập còn vi phạm Nghị Định số 03/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2022 trong lĩnh vực Phòng, chống thiên tai; Thủy lợi; Đê điều.
Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Hà Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết: “Phần xây dựng trại lợn của gia đình ông Nguyễn Cảnh Tấn ở thân đập Đền Chè có diện tích khoảng 300m2 (10m x 30m). Do được xây dựng từ nhiệm kỳ trước nên chính quyền địa phương nhiệm kỳ này cũng khó xử lý”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại đập Đền Chè, xã Thanh Mai đã được chính quyền địa phương bàn giao cho Công ty TNHH Thủy Lợi Thanh Chương Quản Lý. Mọi thủ tục bàn giao, tiếp nhận quản lý đập Đền Chè đã được các bên liên quan thực hiện xong.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thủy lợi Thanh Chương cho biết: “Chỗ ông Nguyễn Cảnh Tấn do mới tiếp quản nên chúng tôi chưa xác định được xây dựng từ năm nào. Hiện chúng tôi đã yêu cầu tháo dỡ dần dần. Không phải riêng chúng tôi mà cả UBND huyện Thanh Chương cũng đã xuống yêu cầu tháo giỡ”.
Chất thải từ trại lợn “bức tử” đập Cửa Ông
Theo một số người sống gần đập Cửa Ông ở xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương phản ánh, hiện xung quanh đập có hàng chục trại lợn đang hoạt động chăn nuôi. Phần lớn các hộ dân tự ý xây dựng chuồng trại nuôi lợn trên đất nông nghiệp với quy mô chăn nuôi từ 100 – 700 con. Hầu như các chuồng trại chăn nuôi đều không có hệ thống xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ông Hà Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai, xác nhận: “Hiện trên địa bàn xã có khoảng trên 30 hộ gia đình nuôi lợn quy mô trang trại, gia trại. Tuy nhiên, hiện chưa có trang trại, gia trại nào được cấp phép. Trong đó, đập Đền Chè có trại ông Nguyễn Cảnh Tấn; Đập Cửa Ông có nhiều hộ như hộ ông Nguyễn Kim Quan; hộ Đinh Xuân Thuận…..”
Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực sát bờ đập Cửa Ông thuộc địa phần xóm Trường Sơn và xóm Nông Trang, xã Thanh Mai hiện 6 chuồng trại lớn nhỏ. Trại có quy mô lớn như hộ gia đình ông Nguyễn Kim Quang, xóm Trường Sơn đã xây dựng 3 hệ thống chuồng lớn gần 1000 m2 với quy mô tổng đàn lợn khoảng 600 – 700 con. Tại khu vực gần trại ông Quang, nước đập Cửa Ông đã đổi màu nâu đen, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Tiếp đó là trại của hộ gia đình ông Đinh Xuân Thuận thuộc xóm Trường Sơn cũng được xây dựng với quy mô lớn. Vùng nước ở đập Cửa Ông gần trại lợn này bị đổi màu nâu đục, nhiều bọt trắng xuất hiện trên mặt, nghi do chất thải từ trại lợn chảy thẳng ra đập.
Theo thông tin từ UBND xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cung cấp, quanh khu vực Đập Cửa Ông hiện có gần 30 hộ nuôi lợn quy mô gia trại, trang trại. Trong đó, có những hộ gia đình nuôi quy mô chuồng trại lên đến 500-700 con. Tất cả các trại này chưa được cấp phép chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại.
Việc nuôi lợn với quy mô lớn gần các hồ, đập ở xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương đã tác động xấu đến môi trường. Vào mùa khô, mức nước lòng hồ xuống thấp, các trại lợn xả ra kiếm mùi hôi thối ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Chủ tịch ủy ban Nhân dân xã Thanh Mai cũng đã thừa nhận: “vấn đề môi trường ở các trại lợn hiện đang là vấn để nhức nhối. Nhưng do các nhiệm kỳ trước họ đã làm, nay khó có thể giải quyết dứt điểm…..”.
Trước thực tế này UBND huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cần vào cuộc có những giải pháp khắc phục triệt để. Những trại đảm bảo tiêu chuẩn về chuồng nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường thì tạo điều kiện để Nhân dân phát triển kinh tế. Những trại chưa đủ tiêu chuẩn thì hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ chứa, bể lọc để hài hòa giữa phát triển kinh tế và đảm bảo vệ môi trường chung.
Riêng đối với trường hợp xây trại trên thân đập Đề Chè, thiết nghĩ cần phải có biện pháp buộc tháo dỡ, trả lại đúng hiện trạng ban đầu để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du trong mùa lũ lụt.