Hiện nay, phong trào dạy con học chữ trước khi vào lớp 1 phát triển rất mạnh. Dường như việc dạy trẻ học chữ trước 6 tuổi đã trở thành một “cuộc đua” âm thầm mà rất nhiều cha mẹ tham gia với sự nhiệt tình cao độ.
Đánh giá về việc này, TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Tiểu học-Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, dạy con học chữ trước 6 tuổi là phụ huynh đang hủy hoại nhiều điều ở con trẻ. Chuyên gia này cảnh báo, dạy con học trước sẽ hủy hoại khả năng tưởng tượng, sáng tạo, liên tưởng của trẻ.
Nhưng ở chiều ngược lại, đa số phụ huynh và cả các giáo viên tiểu học lại đồng tình với việc cho trẻ học trước khi vào lớp 1. Trên diễn đàn, nhiều giáo viên chia sẻ, không học chữ trước khi vào lớp 1, khi đến lớp, trẻ nghe dạy như “vịt nghe sấm”, trong khi sỹ số của 1 lớp lên tới 30-50, thậm chí 60 học sinh. Các thầy cô giáo chỉ đi một vòng cầm tay trẻ uốn nắn là đủ… thở không ra hơi. Nhất là, theo nhiều giáo viên đang công tác tại vùng DTTS và miền núi, hạn chế trong giao tiếp, kỹ năng và ngôn ngữ đang là những rào cản lớn nhất của trẻ lớp 1 người DTTS.
Cô Nguyễn Thị Kim Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Bảo Hà (Bảo Yên, Lào Cai), cho biết: Học sinh của trường chủ yếu là người dân tộc Mông, Tày. Hầu hết các em mới bắt đầu làm quen với tiếng Việt khi bước vào lớp 1. Trong khi đó, giáo viên biết tiếng Mông, tiếng Tày rất ít, dẫn tới tình trạng “cô dạy trò chẳng hiểu, trò nói cô chẳng biết”.
“Ở nhà các em giao tiếp bằng ngôn ngữ của dân tộc mình. Bản thân các em không biết tiếng Việt, cộng thêm thời gian học mẫu giáo ít, không được tiếp xúc, dạy tiếng Việt thường xuyên nên khi vào lớp 1 gặp rất nhiều khó khăn trong học tập. Có những em phải mất cả năm học mới nhớ được mặt chữ”, cô giáo Chi cho hay.
Những khó khăn mà cô giáo Chi chia sẻ cũng là thực trạng chung của ngành Giáo dục tiểu học ở các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống. Trong khi giáo viên nói tiếng phổ thông, chương trình giáo dục cũng bằng tiếng phổ thông, chỉ riêng học sinh lớp 1 lại… chỉ biết một ít hoặc không biết tiếng phổ thông. Độ “vênh” quá lớn này đã khiến những buổi học hết sức nhọc nhằn.
Những rào cản của học sinh DTTS khi vào lớp 1 đã được nhìn ra, và cũng đã có giải pháp của ngành Giáo dục. Giữa năm 2016, Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg, ngày 02/6/2016. Đề án đưa ra các giải pháp để trẻ em người DTTS tiếp cận với tiếng Việt trước khi vào lớp 1, thực hiện mục tiêu cụ thể đến năm 2020, có ít nhất 35% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thị Hiếu, để nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho trẻ em DTTS, Bộ đã xây dựng, ban hành một số tài liệu hỗ trợ giáo viên chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện chuyên đề làm quen với văn học và chữ viết, chú trọng xây dựng môi trường chữ viết, môi trường giao tiếp tiếng Việt, nhằm chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp một.
Thực trạng tiếp cận học tập của học sinh người DTTS khi bước vào lớp một cũng như kế hoạch hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, việc tăng cường dạy chữ cho trẻ người DTTS từ cấp mầm non trở lên là rất cần thiết. Đây là hành trang cơ bản để trẻ bước vào lớp 1 một cách vững chãi.
Để nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho trẻ em DTTS, Bộ đã xây dựng, ban hành một số tài liệu hỗ trợ giáo viên chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện chuyên đề làm quen với văn học và chữ viết, chú trọng xây dựng môi trường chữ viết, môi trường giao tiếp tiếng Việt, nhằm chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp một”.Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non
(Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thị Hiếu
HOÀNG QUÝ